Tình trạng lừa phụ huynh 'con đang cấp cứu' lan rộng, Bộ Công an khuyến cáo khẩn

Xã hội 16/03/2023 06:06

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, nổi cộm là tình trạng lừa phụ huynh 'con đang cấp cứu' qua điện thoại.

Gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra rất tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân.

Lực lượng Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp để đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, qua đó, phát hiện hành vi phạm tội của các đối tượng là chủ động gọi điện thoại trực tiếp cho các bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là:

Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Giả danh cán bộ của các cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra, dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP… Từ đó chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề (như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về; yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền; hoặc điền các thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.

Tình trạng lừa phụ huynh 'con đang cấp cứu' lan rộng, Bộ Công an khuyến cáo khẩn - Ảnh 1Tình trạng lừa phụ huynh 'con đang cấp cứu' lan rộng, Bộ Công an khuyến cáo khẩn - Ảnh 2
Cuộc gọi và tin nhắn từ các đối tượng lừa đảo với phụ huynh học sinh. Ảnh: Bộ Công an

Trước tình hình trên, lực lượng Công an khuyến cáo người dân một số nội dung như sau:

Chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.

Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục "Hướng dẫn tố giác tội phạm" của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Thứ trưởng Bộ Công an nói về tình trạng lừa phụ huynh 'con đang cấp cứu'

Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 21 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều nay 15/3, báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, tình trạng đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty mua bán nợ xuất hiện từ tháng 10/2022. Hiện lực lượng chức năng phát phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật đối với 15 công ty.

Về tình trạng mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện để lừa đảo phụ huynh rằng con bị nạn phải vào viện, cần có tiền đóng viện phí, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết đã có một số trường hợp nạn nhân bị lừa, đã chuyển tiền cho đối tượng. Vụ việc cũng được điều tra, phát hiện và thực hiện công tác phòng ngừa.

3 cách kiểm tra số điện thoại lừa đảo để tránh chiêu trò "con cấp cứu, chuyển tiền gấp’"

Hiện nay, lừa đảo qua điện thoại là một trong các phương thức lừa đảo phổ biến. Dưới đây là những thủ đoạn lừa đảo gần đây và cách phát hiện số điện thoại lừa đảo.

TIN MỚI NHẤT