Những ngày qua, dư luận tại tỉnh Quảng Nam và cả nước rúng động trước thông tin về một người mẹ ở tỉnh Quảng Nam ra tay sát hại con để trục lợi bảo hiểm, số tiền hơn 4 tỉ đồng.
- Người mẹ sát hại con vì tiền bảo hiểm đối diện án tử hình, có khả năng tịch thu toàn bộ tài sản
- Người mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm ngoan cố, không thừa nhận tội ác
Theo thông tin từ VietNamNet, lãnh đạo Công an Quảng Nam xác nhận, bà Tô Thị Ty Na (SN 1981, trú khu phố 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) - người sát hại con ruột để trục lợi bảo hiểm, từng có tiền án về tội "Trộm cắp tài sản".
Theo đó, ngày 27/11/2001, bà Tô Thị Ty Na đã bị TAND huyện Thăng Bình tuyên phạt 40 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản".
Trong quyết định khởi tố bị can đối với Tô Thị Ty Na của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cũng thể hiện rõ nội dung này.

Trước đó, 2 con nhỏ của người phụ nữ này là Nguyễn Văn Hiếu (con út, SN 2019) mất vào năm 2021 và đến đầu năm 2023, con trai kế út Nguyễn Văn Hoàng (SN 2017) cũng qua đời. Cả 2 cháu bé cùng bị cho là tử vong sau khi ngã vào xô nước.
Được biết, năm 2023, Công an huyện Thăng Bình vào cuộc điều tra nhưng tại thời điểm đó công an huyện không đủ tài liệu để kết luận. Tuy nhiên, sau khi Bộ Công an chỉ đạo rà soát lại các vụ án tạm đình chỉ (sau khi giải thể công an cấp huyện trước đây), Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hợp, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ việc để tránh bỏ lọt tội phạm.
Qua kiểm tra hiện trường và tài liệu chứng cứ thu thập được, tối 5/4, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án giết người, bắt tạm giam Tô Thị Ty Na để điều tra hành vi sát hại con ruột Nguyễn Văn Hoàng, để trục lợi tiền bảo hiểm.
Kết quả điều tra xác định khoảng 22h ngày 2/1/2023, tại nhà bà Ty Na, cháu Hoàng tử vong ở nhà vệ sinh. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan công an xác định nghi phạm Na đã có hành vi giết con, mục đích để trục lợi bảo hiểm.
Về cái chết của người con trai út, Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, cơ quan CSĐT đang mở rộng điều tra để xác định cụ thể.

Theo thông tin từ báo Người Lao Động, đại diện một công ty bảo hiểm lớn cho biết: Khi tiếp nhận yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, đặc biệt trong các trường hợp yêu cầu chi trả sớm (trong vòng hai năm đầu của hợp đồng) hoặc tử vong đột ngột, doanh nghiệp sẽ tiến hành điều tra, xác minh kỹ lưỡng. Mục đích là để xác định xem có rơi vào các trường hợp bị loại trừ bảo hiểm như tự tử, phạm tội hay không.
Nếu quá trình điều tra phát hiện có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, công ty sẽ từ chối chi trả theo đúng điều khoản loại trừ đã quy định trong hợp đồng. Trường hợp không có bằng chứng cho thấy có gian dối hay vi phạm, công ty buộc phải thực hiện việc chi trả quyền lợi cho khách hàng.
Trong trường hợp đã chi trả mà sau này cơ quan chức năng xác nhận người được hưởng quyền lợi có hành vi gian dối, trục lợi, công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chi.
Theo vị đại diện này, tình trạng trục lợi bảo hiểm nhân thọ đã xuất hiện từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, gần đây các vụ việc có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi, gây tổn thất không nhỏ cho các doanh nghiệp bảo hiểm và ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của những khách hàng trung thực.
Để đối phó với thực trạng này, các công ty bảo hiểm đã và đang tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi trục lợi. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công tác chi trả, mà còn bảo đảm quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm.
Nói về vụ việc nghi án giết người tại Quảng Nam nhằm trục lợi bảo hiểm, đại diện công ty cho rằng: "Vụ việc này liên quan đến cả án hình sự và yếu tố dân sự. Dù có bản án và quyết định thi hành, việc thu hồi lại số tiền đã chi trả vẫn gặp nhiều khó khăn".
Chuyên gia bảo hiểm Hoàng Nguyễn Ngọc Thịnh nhận định: số tiền bồi thường trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường rất lớn, nên một số người bất chấp thủ đoạn để trục lợi. Trong khi đó, nhiều công ty vẫn phụ thuộc vào hồ sơ giấy tờ và quy trình xác minh còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện gian lận.
"Không ai nghĩ mẹ lại giết con chỉ vì tiền, nên thường không ai nghi ngờ hay tố giác những hành vi như vậy. Chính điều đó tạo kẽ hở để kẻ gian lợi dụng" – ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, sau những vụ việc như vậy, các công ty bảo hiểm cần rà soát lại quy trình, tăng cường kiểm tra nội bộ và siết chặt khâu kiểm duyệt. Đồng thời, xử lý nghiêm các bộ phận thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện cho hành vi trục lợi xảy ra.
Việc ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) là hướng đi cần thiết. Những công nghệ này giúp doanh nghiệp tổng hợp dữ liệu, phân tích rủi ro và phát hiện những dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như một người đứng tên quá nhiều hợp đồng bảo hiểm hoặc có dấu hiệu dàn dựng nhằm trục lợi bất chính.
Vụ án ở Quảng Nam là lời cảnh tỉnh cho những ai có ý định xấu. "Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cũng cần đảm bảo cân bằng lợi ích, không được lấy lý do phòng chống gian lận để gây khó dễ, trì hoãn chi trả quyền lợi chính đáng cho khách hàng. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát hoạt động của ngành bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi người dân" – ông Thịnh nhấn mạnh.