Một phụ nữ trẻ ở Trung Quốc đã biến mình thành “cô dâu giả” trong 20 đám cưới, không phải để kết hôn thật mà để giúp khách hàng vượt qua áp lực từ gia đình và xã hội.
Khi kỳ vọng về hôn nhân từ phía gia đình đè nặng hay khi gặp khó khăn trong việc hẹn hò và kết hôn, nhiều người buộc phải tìm đến các "diễn viên" - những người cung cấp dịch vụ "cưới giả" hoặc đóng vai bạn gái. Điều này khiến các "dịch vụ" hôn nhân trở thành nghề "hái ra tiền".
Cao Mei (30 tuổi, đến từ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã có kinh nghiệm 8 năm trong lĩnh vực này. Cao Mei đến với nghề khi một người bạn bị gia đình thúc ép kết hôn nên nhờ cô đóng giả cô dâu. "Trải nghiệm đó khiến tôi nhận ra đây là một ngành nghề đầy tiềm năng", Cao Mei cho biết.
Trong ngành công nghiệp kết hôn giả, Cao Mei có thể đang nắm giữ kỷ lục 20 lần làm cô dâu, trong đó chỉ riêng năm 2024 đã uống rượu giao bôi tới 8 lần. Cô đã thuần thục và "đạt tới mức chuyên nghiệp" trong tất cả các công đoạn, từ mặc váy cưới, ra mắt gia đình hay phát biểu cảm tạ.
Ngoài đóng cô dâu, Cao Mei còn làm bạn gái giả. Cô đắt khách nhất vào các dịp lễ và Tết Nguyên đán, khi áp lực từ gia đình về chuyện ra mắt tăng cao. Mỗi lần gặp gia đình, cô phải ghi nhớ ghi nhớ các thông tin như tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ học vấn của "chồng" hoặc "người yêu", lịch sử tình cảm do khách hàng bịa ra, thậm chí cả những thực phẩm mà cha mẹ khách hàng bị dị ứng. Trong các cuộc gặp mặt gia đình, có khi cô hóa thân thành một du học sinh từ Anh về nước, lần khác thành giáo viên tiểu học và kịch bản kỳ lạ nhất là một cô vợ sắp cưới đang mang thai.
Trước khi bắt đầu công việc này, Cao Mei từng làm diễn viên quần chúng, dành cả ngày trên phim trường nhận vài chục tệ tiền công. Nhưng nhờ nghề đóng giả cô dâu, bạn gái, mỗi tháng thu nhập của cô trên 20.000 tệ (hơn 70 triệu đồng).
Giá dịch vụ thay đổi tùy theo yêu cầu, từ chụp ảnh, đính hôn đến dự tiệc cưới. Chỉ cần vài hợp đồng mỗi tháng, Cao đã có thể sống thoải mái hơn nhiều so với làm việc văn phòng cả năm. Cô chỉ tập trung cung cấp dịch vụ đám cưới, không dính đến thủ tục pháp lý như đăng ký kết hôn.
Theo Cao, dịch vụ của cô cho thấy áp lực lớn mà các gia đình phải đối mặt trước kỳ vọng của xã hội và những xung đột thế hệ thường phát sinh từ những áp lực này. Một số phụ huynh thậm chí còn giúp con trai mình tổ chức đám cưới giả để thu lại quà, tiền mừng cưới và giữ bí mật với khách mời.
Có trường hợp, một người mẹ liên hệ Cao khi lễ đính hôn của con trai bà đột ngột bị huỷ do khó khăn tài chính, trong khi tin tức về sự kiện đã lan truyền đến khắp người thân, làng xóm. Để không bị xấu mặt, bà thuê Cao đến để hoàn thành buổi lễ.
"Suy cho cùng một số gia đình cũng muốn vớt vát số tiền mừng đã đi trong các năm qua", cô nói.
Dù kiếm được nhiều tiền, Cao vẫn phải giấu gia đình về nghề nghiệp thật sự. Cô nói dối rằng mình làm việc trong một văn phòng bình thường, vì lo sợ họ sẽ hiểu lầm cô làm công việc nhạy cảm. Sự kỳ thị xã hội và những rủi ro trong ngành là điều cô luôn phải đối mặt.
Trần Hy, một người môi giới nghề thuê cô dâu cho rằng ngành này giống như một cái bẫy lừa đảo. "Khách hàng nghĩ chúng tôi lừa người già, nhưng chúng tôi cũng lo sợ gặp phải những kẻ biến thái", anh nói.
Thực tế, Cao Mai cũng từng gặp rủi ro khi làm nghề này. Cô từng gặp phải khách hàng yêu cầu "thêm tiền để hoàn thành đêm tân hôn" vào giữa đêm nên đành bỏ trốn, chấp nhận mất tiền công. Cô cũng chứng kiến một đồng nghiệp lộ thân phận, bị cả làng truy đuổi.
He Bo, luật sư của Công ty luật Sichuan Hongqi (Trung Quốc), cho biết mặc dù dịch vụ đóng vai cô dâu của Cao không đủ điều kiện để bị coi là hoạt động bất hợp pháp song có thể liên quan đến các yếu tố gian lận. Công việc này cũng có rủi ro pháp lý, đặc biệt nếu bao gồm việc sử dụng giấy tờ tuỳ thân giả, lừa đảo hoặc mạo danh viên chức.
Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc năm 2024, trong nhóm người độc thân trên 30 tuổi có 73% xuất hiện xu hướng trầm cảm do bị thúc giục kết hôn. Nhu cầu tìm những người như Cao Mei bùng nổ cùng với sự gia tăng tỷ lệ kết hôn muộn và cuộc sống hiện đại khiến việc hẹn hò, kết hôn ngày càng khó.
Điều này khiến kết hôn giả đang trở thành xu hướng ở một số quốc gia như Trung Quốc khi ngày càng nhiều người trẻ tìm kiếm đối tác để làm đám cưới nhưng không đăng ký, không sống chung, sinh con, chỉ tổ chức tiệc cưới.