Mới đây, TAND đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa người đàn ông nhiều lần đánh đập vợ con vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Nhà hàng tuyển nhân viên rửa bát lương 60 triệu đồng/tháng, mãi mới có 1 người nhận làm
- Phạt nặng hình sự hai tài xế taxi trộm thẻ visa của khách Hàn Quốc đi mua sắm khắp nơi
Theo thông tin từ Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, công an phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết đã phối hợp với công an quận thi hành quyết định của TAND về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa ông V.H.T (43 tuổi) vào cơ sở giáo dục bắt buộc A1 – Bộ Công an (tại tỉnh Phú Yên), trong thời hạn 12 tháng.
Theo Công an phường Thanh Khê Đông, từ tháng 7-2021 đến tháng 1-2022, ông T thường xuyên đánh đập vợ, con gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Công an phường này đã hai lần xử phạt hành chính về hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Ngày 19-1-2022, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường. Trong thời gian quản lý, Công an phường Thanh Khê Đông thường xuyên gặp gỡ, động viên, giáo dục cảm hóa nhưng ông T vẫn tính nào tật đó.
Ngày 6-4, ông T tiếp tục có hành vi đánh đập gây thương tích cho các thành viên trong gia đình mình.
Trên website của Tạp chí Đời sống và Pháp luật củng lý giải về việc bạo hành gia đình có chiều hướng gia tăng, chuyên gia tâm lý Trần Ly (Vũng Tàu) cho hay, cãi vã, giận hờn là những trạng thái cảm xúc không thể thiếu của các cặp đôi đang yêu cũng như đã kết hôn. Nó khiến hai người dễ xa nhau mà cũng có thể giúp cả hai hiểu nhau hơn. Không ít người đàn ông trong lúc cãi vã, cơn nóng bùng lên, họ đã không kiềm chế được cảm xúc và đã "động tay động chân" với vợ để rồi sau đó không tránh khỏi hối hận.
“Người đàn ông đánh vợ xuất phát từ nhiều lý do. Đầu tiên phải kể tới những tác động như: Vấn đề kinh tế, mâu thuẫn quan điểm dạy con, mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng- nàng dâu,… Chưa kể, sau hôn nhân các cặp đôi không còn sự lãng mạn, cảm thông và yêu thương lẫn nhau. Họ không còn tìm được tiếng nói chung từ đó dẫn tới những mâu thuẫn cơ bản trong cuộc sống.
Thêm vào đó, người đàn ông bạo hành vợ thường có tâm lý hận thù, đố kỵ với những người xung quanh. Họ chán nản, mệt mỏi rồi tìm tới rượu bia, ma tuý… và hành hạ vợ để trút giận.
Một số trường hợp chồng bạo hành vợ từng được đăng tải trên báo chí đã gây xôn xao mạng xã hội, tuy nhiên, hình phạt cho hành động bạo hành thực sự chưa đủ sức răn đe, làm gương nên tình trạng này vẫn tiếp diễn”, chuyên gia Trần Ly phân tích.
TAND quận Thanh Khê đã ra quyết định đưa T vào cơ sở giáo dục bắt buộc để răn đe, giáo dục, giúp T tiến bộ, sớm hòa nhập cộng đồng.
Theo trung tá Phạm Thanh Sơn, Trưởng Công an phường Thanh Khê Đông, thực tế có tình trạng một số người chồng ngược đãi, đánh đập và hành hạ vợ, con. Nhưng nhiều người cho rằng đó là chuyện bình thường, là việc riêng của gia đình người ta, không nên can thiệp.
“Rõ ràng chuyện vợ chồng là chuyện riêng tư của mỗi gia đình. Tuy nhiên, khi đã tự nguyện đến với nhau thì phải có nghĩa vụ tôn trọng, thương yêu, giúp đỡ nhau. Hành động chồng ngược đãi, đánh đập, hành hạ vợ là trái với đạo đức, trái với pháp luật, bị xã hội lên án. Hành động bạo lực gia đình phải được chấm dứt trong một xã hội văn minh và mọi người sống có đạo đức, có văn hoá”, Trung tá Sơn nói.