Theo thông tin tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), dù đã nỗ lực điều trị nhưng bệnh nhân nữ không qua khỏi.
- Hy hữu: Người nhà bệnh nhân cắt máu ngón tay người đàn ông đột quỵ não gây tổn thương nghiêm trọng
- Dịch COVID-19: Số ca nặng tăng cao gấp 3, số người tiêm vắc-xin tăng vọt
Thông tin từ Báo Dân Trí cho biết, ngày 1/3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Người tử vong được xác định là bà Đ.T.C (53 tuổi), ngụ xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai).
Trước đó vào ngày 17/2, bà C than mệt, đau bụng vùng thượng vị nên được người nhà đưa đi khám bệnh tại một phòng khám tư gần nhà và được chẩn đoán là nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn. Bà C được đưa về nhà nghỉ ngơi, uống thuốc nhưng bệnh tình vẫn không thấy bớt.
Đến 19/2, sức khỏe bà tụt dốc nghiêm trọng, bệnh tiến triển nặng nên được gia đình đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị.
Tại đây, sau khi thăm khám, bà C được nhập viện với chẩn đoán sốt xuất huyết nặng. Mặc dù được điều trị nhưng bệnh tiến triển nặng, tiên lượng xấu. Sau đó bà được người nhà ký cam kết xin về, đến 26/2 thì tử vong tại nhà.
Trước thông tin về ca bệnh, Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ đã tiến hành điều tra dịch tễ, phun xịt khử khuẩn xử lý xung quanh khu vực nhà bà C.
Bước đầu xác định xung quanh nhà bệnh nhân C không ghi nhận thêm trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các dụng cụ chứa nước ở nhà bệnh nhân C không có lăng quăng, nhà cửa thoáng mát, không xuất hiện nhiều muỗi.
Được biết từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Cẩm Mỹ có 33 ca mắc sốt xuất huyết, riêng tại xã Lâm San có 2 ca.
Theo Zing, Trong tháng 2, toàn tỉnh ghi nhận 380 ca mắc sốt xuất huyết Dengue nhập viện, trung bình 95 ca/tuần (53% là trẻ em), tăng 4% so với tháng 1 (367 ca).
Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành cả nước về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, đại diện Viện Pasteur TP.HCM cho biết số ca mắc sốt xuất huyết đầu năm nay vẫn còn khá cao so với cùng kỳ các năm trước.
Đáng chú ý, mặc dù chưa vào mùa mưa, một số địa phương đã ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Do đó, Viện Pasteur TP.HCM đề nghị các tỉnh cần thực hiện hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết ngay từ bây giờ, không để đến mùa mưa, muỗi sinh nở nhiều mới bắt tay vào phòng dịch.
Sốt xuất huyết lây truyền chủ yếu do muỗi vằn Aedes aegypti đốt người bệnh, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do đó, cách phòng bệnh này tốt là diệt muỗi, lăng quăng, phòng muỗi đốt, giữ vệ sinh nhà và môi trường xung quanh.
Mỗi người có thể mắc tới 4 lần sốt xuất huyết với 4 type huyết thanh khác nhau, nguy cơ lần mắc sau sẽ nặng hơn lần trước. Hiện sốt xuất huyết chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.