Hy hữu: Người nhà bệnh nhân cắt máu ngón tay người đàn ông đột quỵ não gây tổn thương nghiêm trọng

Tin y tế 01/03/2023 11:35

Khi thấy người thân của mình bất ngờ liệt nửa người, nói khó, gia đình đã dùng lưỡi lam cắt sâu vào các đầu ngón tay để cấp cứu nhưng không thể khắc phục tình trạng bệnh.

Theo Báo Người Lao Động, lúc này, người nhà bệnh nhân mới chuyển vào viện cấp cứu. Theo đó, sáng 1-3, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết bệnh viện vừa kịp thời can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cứu người đàn ông 60 tuổi, ngụ Bình Dương bị đột quỵ não.

Theo đó, bệnh nhân được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng liệt nửa người phải, nói khó. Gia đình cho biết người bệnh đột ngột liệt nửa người phải. Sau đó, gia đình có tham khảo thông tin trên mạng và làm theo bằng cách lấy lưỡi lam cắt sâu các đầu ngón tay bên bị liệt. Tuy nhiên, máu chảu nhiều mà tình trạng không thay đổi nên gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển lên tuyến trên để kịp giờ vàng.

Hy hữu: Người nhà bệnh nhân cắt máu ngón tay người đàn ông đột quỵ não gây tổn thương nghiêm trọng - Ảnh 1

Người nhà bệnh nhân dùng lưỡi lam cắt sâu vào 5 đầu ngón tay. (Ảnh: Người Lao Động)

Tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân ở giờ thứ 6 từ lúc khởi phát triệu chứng. Các bác sĩ đã thăm khám và chụp CT mạch máu não, ghi nhận bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não bán cầu trái do tắc động mạch não giữa.

Các bác sĩ liền can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cho người bệnh. Hiện bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn.

Bác sĩ Thắng cho biết khi bị đột quỵ, thông thường bệnh nhân không tử vong ngay lập tức mà bị yếu liệt nửa người rồi vài giờ hoặc vài ngày sau mới tử vong. Trong khi đó, đột tử liên quan đến cơn đau thắt ngực, mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn đột ngột làm bệnh nhân tử vong nhanh hơn nhiều. Hai bệnh lý này giống nhau vì liên quan đến mạch máu. Những người bị đột quỵ não cũng có thể bị đột tử do tim và ngược lại, thậm chí có khả năng bị cùng lúc.

Bác sĩ Thắng cảnh báo việc sử dụng thuốc hoặc sơ cứu không đúng cách như: vắt chanh vào miệng, chích máu ở đầu ngón tay, giật lưỡi… sẽ làm mất đi khoảng thời gian vàng để chữa trị cho bệnh nhân. Hiện nay, khuyến cáo duy nhất khi sơ cứu cho bệnh nhân đột quỵ là người nhà không nên làm gì, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ. Nếu trong lúc chờ xe, bệnh nhân ho hoặc khó thở thì đỡ họ nằm nghiêng một bên.

Theo VnExpress, bệnh nhân có thể thoát chết nhờ cấp cứu đột quỵ não trong 'giờ vàng'. Ngày 2/2, đại diện Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, thuộc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, cho biết đã điều trị thành công ca đột quỵ do nhồi máu não trong dịp Tết.

Theo đó, bệnh nhân nhập viện cấp cứu khoảng 7h ngày mùng 1 trong tình trạng liệt gần hoàn toàn nửa người trái, miệng méo, nói ngọng.

Bệnh nhân chia sẻ bản thân thức dậy lúc 4h nhưng không thể giơ được tay, chân trái lên, nói ngọng nên đã nghĩ đến trường hợp có thể bị đột quỵ. Do đó, ông liên hệ bạn bè và người nhà thông báo tình hình, được nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Hy hữu: Người nhà bệnh nhân cắt máu ngón tay người đàn ông đột quỵ não gây tổn thương nghiêm trọng - Ảnh 2
Bệnh nhân khỏi bệnh nhờ cấp cứu đúng khung giờ vàng. Ảnh: VnExpress

Bác sĩ Huỳnh Quốc Sĩ, Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết khi nhập viện, bệnh nhân rất yếu nửa người bên trái, sức cơ chỉ khoảng 2/5, còn tỉnh táo nhưng nói chuyện khó khăn.

Sau khi xét nghiệm và chụp MRI, ê kíp xác định người bệnh bị đột quỵ cấp do nhồi máu não, tổn thương tại vị trí chi sau bao trong, điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Chỉ sau vài giờ, bệnh nhân hồi phục sức cơ, giơ tay, chân lên được.

 

Ba ngày sau, bệnh nhân hồi phục ngoạn mục, đi đứng bình thường nên được xuất viện vào ngày mùng 4 Tết.

Theo bác sĩ, trong thực tế, đột quỵ thiếu máu não chiếm 80% trường hợp đột quỵ nói chung. Hiện có hai phương pháp tái thông mạch là điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (đối với các bệnh nhân có tắc mạch lớn).

Cửa sổ thời gian điều trị tái thông rất hẹp, trong 3-4,5 giờ từ khi khởi phát. Nhưng ít bệnh nhân được tiếp cận với những phương pháp này vì đến viện muộn. Khoảng hơn 30% số người đột quỵ đến viện trong thời gian vàng, tức dưới 6 giờ; 23% đến viện dưới 4,5 giờ kể từ khi khởi phát bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tái tưới máu thấp, ở mức 14% - nguy cơ bị di chứng hoặc tử vong cao.

Bác sĩ cho hay khi cơn đột quỵ sắp đến, người mắc có thể nhận thấy những dấu hiệu như yếu liệt mặt, méo miệng, yếu tay, nói khó... Nếu bệnh nhân còn tỉnh, bạn có thể yêu cầu họ nói, nhấc tay, chu miệng để kiểm tra.

Trường hợp đã bất tỉnh, bệnh nhân cần được nằm nghiêng với tư thế ngửa đầu cao, đưa đến bệnh viện nhanh nhất có thể, tuyệt đối không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.

"Bệnh nhân nên lưu ý các triệu chứng của đột quỵ để có thể đến cơ sở y tế nhanh chóng, kịp thời trong thời gian vàng, nâng cao hiệu quả cứu chữa", bác sĩ Sĩ khuyến cáo.

 

 

Dịch COVID-19: Số ca nặng tăng cao gấp 3, số người tiêm vắc-xin tăng vọt

Thông tin về dịch COVID-19 có nhiều biến động trong ngày.

TIN MỚI NHẤT