Những thay đổi tâm lý tuổi dậy thì: Bố mẹ cần biết để hiểu con hơn

Bài học làm mẹ 27/04/2025 13:32

Tâm lý trẻ dậy thì có sự thay đổi rất phức tạp, đặc biệt ở giai đoạn này trẻ cũng dễ rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý tuổi dậy thì. Nếu không được quan tâm và hướng dẫn đúng cách thì có thể khiến trẻ rơi vào khủng hoảng, dẫn tới nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra.

Tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp đầy thử thách trong quá trình phát triển của mỗi con người. Đây không chỉ là lúc cơ thể thay đổi mạnh mẽ về sinh học mà còn là thời điểm tâm lý bắt đầu hình thành những đặc điểm mang tính nền tảng cho nhân cách trưởng thành. 

Với cha mẹ, việc thấu hiểu và đồng hành cùng con trong giai đoạn này là một trong những “nhiệm vụ” quan trọng nhất – nhưng cũng khó khăn nhất.

Khi bước vào tuổi dậy thì, nhiều trẻ bỗng trở nên “xa cách”, khó hiểu, dễ nổi giận hoặc thu mình. Những hành vi này khiến không ít phụ huynh cảm thấy “bất lực”, từ chỗ thân thiết lại trở thành người ngoài cuộc trong thế giới nội tâm đang thay đổi nhanh chóng của con. 

Trẻ dậy thì là bước thay đổi lớn về cả thể chất và tinh thần. Thông thường tuổi dậy thì ở bé gái là từ 8 - 13 tuổi và bé trai thì thường muộn hơn, khoảng từ 9 -14 tuổi. Tuy nhiên độ tuổi dậy thì ở trẻ cũng có sự thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dinh dưỡng, tình trạng sức khỏe và giới tính…

Những thay đổi tâm lý tuổi dậy thì: Bố mẹ cần biết để hiểu con hơn - Ảnh 1

Những thay đổi tâm lý thường gặp ở tuổi dậy thì 

1. Thay đổi cảm xúc – Khi hormone “điều khiển” tâm trạng

Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của tuổi dậy thì là sự thay đổi cảm xúc mạnh mẽ và thất thường.

Sự tăng sinh hormone giới tính như estrogen và testosterone ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, đặc biệt là vùng kiểm soát cảm xúc. Trẻ dễ nổi giận, dễ xúc động, có thể khóc vì một chuyện nhỏ, hay tỏ ra bực bội, “khó ở” mà không rõ lý do.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm từng nhận định: “Tuổi dậy thì là giai đoạn mà cảm xúc đến nhanh, đi nhanh, nhưng lại để lại những ảnh hưởng lâu dài nếu không được thấu hiểu”. Bố mẹ đôi khi chỉ nhìn thấy hành vi bề ngoài mà không nhận ra những mâu thuẫn, bối rối trong tâm trí con.

2. Nhu cầu khẳng định bản thân – “Con là chính con”

Tuổi dậy thì cũng là lúc trẻ bắt đầu hình thành cái tôi rõ ràng. Các em bắt đầu đặt câu hỏi về bản thân, tìm kiếm sự khác biệt, muốn được công nhận là một cá thể độc lập.

Biểu hiện của quá trình này có thể là thay đổi cách ăn mặc, thần tượng ai đó, tranh luận với cha mẹ, từ chối sự kiểm soát hoặc thích những điều "khác biệt".

Với trẻ từ 10 đến 13 tuổi, trẻ bắt đầu có xu hướng tách ra khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Khi từ 14 đến 16 tuổi, các mâu thuẫn giữa trẻ và cha mẹ thường xuất hiện. 

Thời điểm này, trẻ thường ít quan tâm đến gia đình, khao khát được tự do khám phá và có thể cảm thấy bực bội hoặc tức giận nếu bị cha mẹ kiểm soát quá chặt chẽ. Đến giai đoạn 17 đến 19 tuổi, trẻ nhận thức rõ hơn về giá trị của những lời khuyên từ gia đình, đồng thời bắt đầu hiểu và tôn trọng cha mẹ hơn.

Đây không phải là sự nổi loạn, mà là nhu cầu tự nhiên trong quá trình phát triển tâm lý. Khi bị kìm nén hoặc chối bỏ cái tôi, trẻ dễ hình thành tâm lý chống đối, hoặc nghiêm trọng hơn là đánh mất sự tự tin.

3. Nhạy cảm với lời nói và hành động từ người lớn

Từ 11 đến 14 tuổi, sự thay đổi về nồng độ hormone trong cơ thể có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi và tâm lý của trẻ. Khi nồng độ hormne tuyến giáp hoặc cortisol thay đổi, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Trong giai đoạn dậy thì, trẻ thường cảm thấy không thoải mái với những thay đổi diễn ra trong cơ thể, khiến trẻ trở nên nhạy cảm hơn về ngoại hình của mình. Thêm vào đó, áp lực học tập và những vấn đề trong gia đình cũng góp phần khiến trẻ cảm thấy căng thẳng và nhạy cảm hơn.

Ở độ tuổi này, trẻ rất dễ bị tổn thương bởi lời nói, đặc biệt là từ cha mẹ. Những câu như “Con không làm được đâu”, “Sao con không bằng bạn A?” tưởng chừng vô hại, nhưng lại gây tác động tiêu cực đến lòng tự trọng đang hình thành. Nhiều trẻ dần thu mình, mất động lực hoặc thậm chí có dấu hiệu trầm cảm khi cảm thấy mình “không đủ tốt”.

Điều trẻ cần là sự công nhận, động viên và đồng hành – không phải chỉ trích hay phán xét.

4. Xu hướng tách khỏi gia đình – Không phải ghét bỏ, chỉ là muốn độc lập

Nhiều phụ huynh từng thắc mắc: “Sao con lại ít nói chuyện, không muốn gần bố mẹ như trước?”. Thực chất, trẻ đang trong quá trình thiết lập ranh giới riêng tư.
Việc đóng cửa phòng, dành nhiều thời gian một mình hay không chia sẻ chuyện cá nhân không đồng nghĩa với chống đối, mà là nhu cầu phát triển độc lập.

Nếu bị kiểm soát quá mức, trẻ dễ rơi vào trạng thái phản kháng hoặc tìm kiếm sự chia sẻ từ những nguồn thiếu an toàn.

Trẻ trở nên tự lập hơn, chúng thích làm việc một mình và có trách nhiệm hơn trong công việc. Trẻ thích đưa ra chứng kiến của bản thân về sự việc xảy ra hoặc biểu hiện rõ ràng bằng việc chúng thích đấu tranh dữ dội để bảo vệ được ý kiến của mình và không chịu nghe lời người khác. 

Sự riêng tư và những không gian cá nhân cũng trở nên cực kỳ quan trọng đối với trẻ ở giai đoạn này. Có thể một sự xâm phạm vào không gian riêng tư của trẻ trước đây không có biểu hiện gì, nhưng ở giai đoạn này trẻ có thể phản ứng dữ dội và gay gắt hơn...

5. Áp lực từ bạn bè và mạng xã hội – Cạnh tranh ngầm và cái bẫy “tự so sánh”

Áp lực đồng trang lứa là điều không thể tránh khỏi ở tuổi dậy thì. Trẻ thường xuyên so sánh bản thân với bạn bè về ngoại hình, thành tích học tập, mối quan hệ xã hội. Mạng xã hội càng khuếch đại điều này. Một bức ảnh không được “like”, một bình luận tiêu cực cũng đủ khiến trẻ buồn bã cả tuần.

Nhiều em còn chạy theo hình mẫu “hoàn hảo” trên mạng, từ đó dễ hình thành cảm giác tự ti, lo âu, hoặc “sống ảo” để tìm kiếm sự công nhận.

Những thay đổi tâm lý tuổi dậy thì: Bố mẹ cần biết để hiểu con hơn - Ảnh 2

Vì sao bố mẹ thường “bất lực” khi con đến tuổi dậy thì?

1. Khác biệt thế hệ – Khi tư duy nuôi dạy không còn phù hợp

Phụ huynh thường áp dụng lối nuôi dạy truyền thống: “Con phải nghe lời”, “Cha mẹ luôn đúng” mà quên mất rằng thế hệ trẻ lớn lên trong một thế giới hoàn toàn khác. Trẻ có điều kiện tiếp cận thông tin, tư duy độc lập và đề cao quyền cá nhân hơn rất nhiều. Việc duy trì tư tưởng cũ dễ khiến cha mẹ trở nên “xa lạ” và không thể kết nối với con.

2. Kỳ vọng và áp lực từ phía phụ huynh – Tình yêu mang theo gánh nặng

Không ít cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng lên con cái, từ điểm số, thành tích, ứng xử cho đến định hướng nghề nghiệp.

Sự kỳ vọng ấy vô tình biến thành áp lực. Khi trẻ không đạt được yêu cầu, thay vì được động viên, lại nhận những lời trách móc, khiến trẻ cảm thấy thất bại và mất niềm tin vào bản thân.

3. Giao tiếp không hiệu quả – “Nói mà con không chịu nghe” hay “Nói không đúng cách”?

Nhiều phụ huynh chia sẻ: “Tôi nói suốt mà con không nghe!”. Nhưng liệu cách nói đã đúng chưa? Tuổi dậy thì cần giao tiếp dựa trên tôn trọng và lắng nghe, thay vì ra lệnh hay răn đe. Khi trẻ cảm thấy bị ép buộc hoặc không được lắng nghe, các em sẽ chọn cách im lặng hoặc phản kháng.

Những thay đổi tâm lý tuổi dậy thì: Bố mẹ cần biết để hiểu con hơn - Ảnh 3

Làm sao để bố mẹ hiểu và đồng hành cùng con tốt hơn?

1. Giao tiếp chủ động và lắng nghe không phán xét

Bí quyết đầu tiên để kết nối với con là: lắng nghe với sự thấu cảm. Khi con chia sẻ điều gì đó, hãy kiên nhẫn nghe hết trước khi đưa ra ý kiến. Hãy đặt câu hỏi mở như: “Con cảm thấy thế nào?”, “Có điều gì khiến con lo lắng không?” thay vì chỉ nói “Con phải thế này, thế kia”.

Khi trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, chúng sẽ mở lòng và dễ tiếp nhận lời khuyên hơn.

Làm cha làm mẹ là một điều gì đó rất tự nhiên, là bản năng nhưng thực tế để trở thành bố mẹ một cách tốt nhất thì chúng ta cũng cần học cách làm cha làm mẹ. 

Khi trẻ ở tuổi này trẻ có thể phản ứng một cách dữ dội khiến bạn cho răng trẻ hỗn láo, hư hỏng... bạn có thể sẽ đưa ra những lời mắng khiến trẻ càng phản ứng dữ dội hơn. 

Những lúc này, bạn hãy cố gắng bình tĩnh, hãy nhớ trẻ đang ở giai đoạn khủng hoảng. Nếu trẻ thực sự làm sai hãy giải thích hành động đó của trẻ là sai và phạt trẻ đúng quy định. 

Còn nếu trẻ không sai, bạn hãy vứt bỏ cái tôi của mình và xin lỗi trẻ nếu bạn đã tránh nhầm trẻ. Cố gắng nói chuyện với trẻ nhiều hơn, có thể hiểu hơn về những suy nghĩ và áp lực mà trẻ gặp phải.

Một trong những việc quan trọng mà bố mẹ cần làm là trấn an và giải thích cho con hiểu rằng dậy thì là một trong những giai đoạn tự nhiên, khoảng thời gian rất kỳ diệu và cần thiết để trẻ có thể phát triển trưởng thành toàn diện. 

Ngoài ra, bố mẹ có thể dạy cho con những thay đổi trên cơ thể khi dậy thì để khi gặp phải trẻ không bị hoang mang và cần hướng dẫn trẻ để trẻ có các kỹ năng chăm sóc, bảo vệ bản thân khi cần thiết. Đặc biệt, nên giáo dục giới tính cho trẻ, vì giai đoạn này trẻ rất tò mò về điều đó.

2. Tôn trọng quyền riêng tư và cá tính

Tôn trọng không có nghĩa là bỏ mặc. Hãy để con có không gian riêng nhưng vẫn luôn hiện diện như một “người bạn lớn” khi con cần. Đừng kiểm tra điện thoại, đọc nhật ký hay can thiệp quá mức vào các mối quan hệ cá nhân của con – đó là điều tối kỵ.

Cha mẹ cũng nên dành cho trẻ sự riêng tư phù hợp. Một nghiên cứu về tâm lý bé trai tuổi dậy thì cho thấy, trẻ nam đôi khi tìm hiểu cơ thể mình thông qua biện pháp thủ dâm, đây là điều hoàn toàn bình thường. 

Do đó, ba mẹ hay người lớn trong gia đình hãy tập thói quen gõ cửa trước khi vào phòng trẻ và tạo cho trẻ không gian riêng, không để những trẻ khác hay người lớn tự ý vào khi trẻ chưa đồng ý.

3. Giáo dục giới tính và định hướng đúng đắn

Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu có nhận thức về giới, tình dục và các mối quan hệ. Việc bố mẹ né tránh chủ đề này chỉ khiến trẻ phải tự tìm hiểu từ những nguồn thiếu an toàn. Hãy cung cấp thông tin đúng đắn, khoa học, gần gũi để con có kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân.

Định hướng hoặc giúp trẻ tránh xa những điều tiêu cực, văn hoá phẩm đồi trụy, giải thích những hành vi không đúng để trẻ hiểu được đúng sai hơn. Cố gắng khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, tập luyện thể dục thể thao...

4. Làm bạn cùng con nhưng vẫn giữ vai trò cha mẹ

Làm bạn không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Trẻ cần người lắng nghe, nhưng cũng cần ranh giới rõ ràng. Hãy là người bạn đáng tin cậy nhưng cũng là người định hướng, uốn nắn và đồng hành. 

Sự cân bằng giữa yêu thương và nguyên tắc sẽ giúp trẻ trưởng thành đúng hướng, không bị lệch lạc trong quá trình phát triển nhân cách.

Khi con cảm thấy bố mẹ vừa là điểm tựa an toàn vừa là người có thể chia sẻ mọi điều mà không bị đánh giá, các con sẽ không cần phải tìm kiếm sự thấu hiểu từ bên ngoài bằng những cách tiêu cực. 

Sự hiện diện của cha mẹ, dù không phải lúc nào cũng ồn ào hay cố gắng kiểm soát, lại chính là điều khiến con cảm thấy an tâm nhất trong giai đoạn đầy biến động này.

Tuổi dậy thì là một “cánh cửa” đặc biệt – nơi những đứa trẻ bắt đầu rời xa hình bóng trẻ con, nhưng chưa đủ bản lĩnh để trở thành người lớn. Trong giai đoạn bản lề này, điều quý giá nhất mà con cái cần không phải là sự giám sát hay kỳ vọng cao vời, mà là sự thấu hiểu, kiên nhẫn và yêu thương đúng cách từ cha mẹ.

Khi cha mẹ biết lắng nghe, biết nhìn con bằng ánh mắt tôn trọng, biết chọn thời điểm đúng để lên tiếng và biết chấp nhận sự khác biệt, thì những mâu thuẫn sẽ dần được hóa giải. 

Tình cảm gia đình không bị rạn nứt, mà trái lại – được củng cố vững chắc hơn khi cùng nhau vượt qua những thách thức.

Hãy nhớ, sự thay đổi của con không đáng sợ. Điều đáng sợ là cha mẹ không thay đổi cùng con. Một đứa trẻ có thể chịu đựng rất nhiều áp lực từ bên ngoài, miễn là trong chính ngôi nhà của mình – chúng luôn có một nơi để được là chính mình.

Ai cũng có những công việc hay mối quan hệ riêng tư cần dành ra nhiều thời gian. Nhưng bạn cần biết giai đoạn này của con bạn cũng chỉ có 1 mà thôi, nếu bạn bỏ qua đến khi quá muộn thì việc uốn nắn trẻ sẽ khó hơn hoặc những vấn đề tâm lý đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ. 

Hãy cố gắng tạm gác vấn đề riêng tư hay công việc dành nhiều thời gian để ở bên, động viên con hơn.

Giai đoạn này trẻ có thể dễ gặp các vấn đề về rối loạn tâm thần. Cha mẹ cần nhận biết sớm những vấn đề này để trẻ có thể được tiếp nhận điều trị sớm và tránh những sự việc đáng tiếc. 

Nếu trẻ có những dấu hiệu dậy thì sớm hay dậy thì muộn cũng cần cho trẻ đi khám sớm để được có biện pháp điều trị hợp lý.

Vì sao cha mẹ cần quan tâm những thay đổi tâm lý tuổi dậy thì của con?

Ở độ tuổi dậy thì trẻ sẽ có những thay đổi về cả tinh thần và thể chất.Nhiều ba mẹ cho rằng những thay đổi của trẻ ở tuổi dậy thì là điều đương nhiên và sẽ tự hồi phục khi qua độ tuổi này. 

Tuy nhiên, điều này không đúng vì những vấn đề ở thời điểm này nếu không được giải quyết có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý. 

Trong giai đoạn đầu của tuổi vị thành niên, trẻ em không chỉ bắt đầu trải qua những giai đoạn thay đổi đầu tiên về mặt thể chất mà còn cả những giai đoạn về mặt tâm lý tuổi dậy thì.

Cha mẹ cần quan tâm đến những thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì của con vì giai đoạn này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ. 

Đầu tiên, những thay đổi về cảm xúc, hành vi và sự tự nhận thức có thể khiến trẻ dễ bị tổn thương và bối rối. Nếu cha mẹ không nắm bắt kịp thời, trẻ có thể cảm thấy cô đơn, dễ dẫn đến các vấn đề như trầm cảm, lo âu.

Hơn nữa, ở tuổi dậy thì mối quan hệ xã hội của trẻ cũng có thể thay đổi, kéo theo những áp lực từ bạn bè và môi trường xung quanh. Sự tác động của bạn bè có thể ảnh hưởng đến quyết định và hành vi của trẻ, điều này đòi hỏi cha mẹ cần phải hiểu và hỗ trợ con trong việc xây dựng quan hệ tích cực.

Cuối cùng, việc quan tâm đến thay đổi tâm lý tuổi dậy thì giúp cha mẹ xây dựng lòng tin và tạo không gian an toàn cho trẻ, khiến trẻ thoải mái chia sẻ những lo lắng, suy nghĩ và cảm xúc của mình. 

Sự hiểu biết và quan tâm từ cha mẹ không chỉ giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn phát triển thành những cá nhân mạnh mẽ, tự tin hơn.

Cha mẹ nghiêm khắc gây tranh cãi, chỉ mua TV khi con đỗ đại học hàng đầu

Một nữ sinh trung học Trung Quốc cho biết gia đình mua tivi đầu tiên trong nhà sau khi cô thi đỗ Đại học Bắc Kinh, ngôi trường danh tiếng hàng đầu nước này.

TIN MỚI NHẤT