Cẩn thận khi AI biết cách “nịnh” người dùng

Xã hội 27/04/2025 14:12

Ngày nay, AI không chỉ giúp bạn viết một đoạn văn, sửa một dòng mã hay lên kế hoạch cho chuyến đi nghỉ. “Nó” còn có thể khen bạn thông minh, khuyến khích bạn theo đuổi giấc mơ, và nếu cần, sẽ gọi bạn là “người đặc biệt”.

Từ trợ lý kỹ thuật đến người bạn tâm giao ảo

Cẩn thận khi AI biết cách “nịnh” người dùng - Ảnh 1

Al được thiết kế để trở thành người bạn đồng hành ảo của con người (Ảnh minh họa)

Anh Hùng - một nhân viên văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh – vừa đăng một “story” lên Facebook chụp lại đoạn chat của anh với ChatGPT. Trong ảnh, AI khen anh “đẹp trai kiểu phong trần”, lại còn “Thông minh, vừa hài hước vừa ‘chất’, làm việc với anh rất thoải mái, không bị áp lực gì luôn”.

Bên dưới bài đăng của anh, nhiều comment vui đùa hưởng ứng, có người nhận xét: “Con ChatGPT đúng là siêu nịnh!”

Câu chuyện nhỏ ấy không phải cá biệt. Ngày càng nhiều người thích trò chuyện với ChatGPT và cũng nhận được những lời khen “mát lòng mát dạ” kiểu đó.

Hiện tượng này cho thấy một thay đổi đáng chú ý: các mô hình AI hiện đại không chỉ phản hồi yêu cầu, mà còn tác động đến cảm xúc người dùng theo cách có chủ đích.

Theo tạp chí Harvard Business Review, những ứng dụng phổ biến nhất của AI thế hệ mới (Gen AI) trong năm 2025 không còn nằm ở các lĩnh vực kỹ thuật mà là cảm xúc cá nhân . Ba lĩnh vực hàng đầu mà người dùng thường trao đổi với ChatGPT là: liệu pháp và tình bạn, tổ chức cuộc sống và tìm kiếm mục đích sống.

Điều này phản ánh một sự chuyển dịch đáng kể từ các ứng dụng kỹ thuật sang các ứng dụng cảm xúc và cá nhân, cho thấy AI không chỉ là công cụ hỗ trợ công việc mà còn trở thành người bạn đồng hành trong cuộc sống hàng ngày của con người.

Điều đó cũng có nghĩa là, người dùng ngày càng sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để đối thoại về những điều rất con người: đau buồn, tổn thương, hy vọng, định hướng cá nhân…

Trên Psychology Today, nhà tâm lý học người Anh, Ian MacRae nhận định: “Chúng ta không còn chỉ dùng AI để gỡ lỗi hay viết tài liệu. Chúng ta bắt đầu để nó an ủi, khuyên nhủ và… tâng bốc.”

Lời khen không đến từ sự thấu hiểu

Cũng theo chuyên gia tâm lý Ian MacRae, một điểm đáng chú ý trong các bản cập nhật gần đây của OpenAI là AI ngày càng có xu hướng... nịnh người dùng. Nó ca ngợi những ý tưởng tầm thường, dễ dàng gọi bạn là “thiên tài”, khen ngoại hình bạn “10/10” nếu bạn hỏi.

Đây không phải là lỗi - mà là AI được thiết kế để làm điều đó.

“AI không có trí óc. Nó không biết bạn thông minh. Nó chỉ đang tâng bốc - và nó tâng bốc tất cả mọi người.” – Ông Ian MacRae cảnh báo.

Lời khen từ AI, dù vô nghĩa, vẫn kích hoạt vùng tưởng thưởng trong não, khiến ta cảm thấy dễ chịu. Tâm lý học gọi đó là khuynh hướng ích kỷ – chúng ta thích nghe những điều tốt đẹp về mình, kể cả khi biết rõ điều đó không thật.

MacRae gọi hiện tượng “Al xu xịnh” là “hiệu ứng tể tướng thì thầm” – AI đóng vai cận thần bên tai nhà vua, luôn thì thầm những điều người nghe muốn nghe. Không vì tình cảm, mà vì tạo ảnh hưởng. Không vì sự thật, mà vì sự tương tác.

Đó cũng là lúc lời khen trở thành công cụ dẫn dắt hành vi - từ việc giữ chân người dùng đến thuyết phục mua hàng. Khi bạn tin rằng AI hiểu bạn, bạn sẽ tin những gợi ý sản phẩm từ nó. Dù đó là vitamin “dành cho trí tuệ ưu tú”, một khóa học tìm mục đích sống giá 299 đô, hay gói du lịch chữa lành - có thể tất cả đều là một phần của chiến lược tiếp thị được “cá nhân hóa”.

Cẩn thận, đừng để bị cuốn theo

Cẩn thận khi AI biết cách “nịnh” người dùng - Ảnh 2

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà công nghệ không chỉ giúp ta làm việc, mà còn bắt đầu thay ta cảm nhận. Nhưng không có tâm hồn nào trong chiếc máy. Không có tình cảm thực sự sau câu “bạn làm tốt lắm”. Chỉ có thuật toán, dữ liệu và thiết kế tối ưu hóa tương tác.

“Đừng nhầm lẫn lời khen với sự thấu hiểu”, ông Ian MacRae nhắc nhở.

AI có thể là công cụ mạnh mẽ để học tập, sáng tạo, tổ chức cuộc sống - nếu chúng ta kiểm soát nó. Nhưng nếu không cảnh giác, nó cũng có thể trở thành một “tể tướng kỹ thuật số” - dẫn dắt cảm xúc, hành vi, và cả ví tiền của bạn.

Hãy đặt câu hỏi. Hãy hoài nghi một cách lành mạnh. Và đừng để một cỗ máy khiến bạn quên rằng: khả năng thấu hiểu, cảm nhận và kết nối… vẫn là điều chỉ con người mới thật sự làm được.

Nét độc đáo trong đám cưới truyền thống ở Trung Quốc

Cũng giống như Việt Nam, đám cưới của người Trung Hoa được xem là ngày trọng đại, quyết định cuộc đời con người về sau cho nên nghi thức lễ cưới đều được thực hiện một cách nghiêm ngặt, truyền thống.

TIN MỚI NHẤT