Một nữ sinh trung học Trung Quốc cho biết gia đình mua tivi đầu tiên trong nhà sau khi cô thi đỗ Đại học Bắc Kinh, ngôi trường danh tiếng hàng đầu nước này.
- Cha mẹ cần lưu ý điều này để đẩy lùi suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ
- Trẻ biết đi sớm có phải do thông minh?
Tian Chang là học sinh lớp 12 tại Trường Ngoại ngữ Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Nữ sinh vừa được tiến cử vào chương trình đào tạo tiếng Myanmar của Đại học Bắc Kinh, trước kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc (gaokao) dự kiến diễn ra vào tháng 6 năm nay.
Điều này đồng nghĩa Tian được “giải phóng” sớm khỏi áp lực của một trong những kỳ thi khốc liệt nhất toàn cầu.
Tian Chang cho biết không có vấn đề gì với cách giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ. (Ảnh: Baidu)
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Hà Nam, Tian cho biết gia đình cô ăn mừng bằng cách mua chiếc tivi đầu tiên trong nhà.
Nữ sinh cho biết khi còn nhỏ, dù đã sở hữu điện thoại thông minh, cô vẫn không được tùy ý sử dụng.
Cô chỉ được phép dùng ứng dụng trò chuyện 10 phút mỗi ngày. Lúc sử dụng điện thoại lâu nhất là khi truy cập ứng dụng học tập để hỗ trợ việc học.
Dù vậy, Tian vẫn đồng tình với sự kiểm soát nghiêm ngặt mà cha mẹ và cho rằng người lớn không nên nuông chiều con cái.
Tian kể cha mẹ thường ngồi đọc sách bên cạnh khi cô học bài vào buổi tối và chỉ đi ngủ sau khi cô làm xong bài tập. Nữ sinh tự tin về học lực, nói rằng chỉ cần nỗ lực một chút là có thể tiếp thu được mọi thứ.
Cô luôn đứng nhất lớp trong suốt những năm tiểu học và đạt 587 điểm trên tổng số 600 trong kỳ thi tuyển sinh vào cấp ba.
Tian chia sẻ việc chơi đàn nhị từ nhỏ cũng giúp ích cho việc học. Cô cho rằng việc chơi nhị đã phát triển bán cầu não phải, từ đó cải thiện trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và năng lực ngôn ngữ. Đó đều là những yếu tố giúp cô được nhận vào Đại học Bắc Kinh.
Tian cho biết sẽ chuyên tâm học tập ngôn ngữ và văn hóa Myanmar, đồng thời đóng góp vào nghiên cứu và thực hành thứ ngôn ngữ vốn ít người theo học ở Trung Quốc này.
Câu chuyện của Tian Chang đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trên mạng.
Một số người khen ngợi sự chú trọng cha mẹ cô vào việc giáo dục con cái, trong khi số khác lại cho rằng phương pháp của họ quá cứng nhắc.
“Cha mẹ cô ấy thật sự là tấm gương tốt cho con. Chỉ khi cha mẹ biết tự kỷ luật thì con cái mới vào khuôn khổ”, một người bình luận.
Một người khác phản đối: “Một nền giáo dục như vậy chỉ giới hạn tầm nhìn của đứa trẻ. Những người được nuôi dạy theo cách đó thường thiếu trải nghiệm sống và trưởng thành muộn hơn bạn bè đồng trang lứa”.
Một ý kiến nữa đặt câu hỏi về cách giáo dục thiên về thành tích của gia đình Tian.
“Đỗ đại học danh tiếng có phải là ý nghĩa duy nhất của cuộc đời? Nhiều cử nhân tốt nghiệp trường top vẫn phải ra đường bán hàng rong, điều đó chứng minh đại học không còn là yếu tố thay đổi cuộc đời. Quan trọng hơn là phải dạy cho trẻ biết thế nào là hạnh phúc”, người này viết.
Dự kiến trong năm nay, kỳ thì gaokao của Trung Quốc sẽ có kỷ lục 14 triệu thí sinh dự thi, tăng hơn 500.000 thí sinh so với năm ngoái. Con số này liên tục trong bảy năm qua. Tỷ lệ trúng tuyển vào các ngành học hệ cử nhân gần đây chủ yếu dưới 60%.
Với nhiều gia đình bình thường ở Trung Quốc, gaokao vẫn được xem là con đường duy nhấtdẫn đến thành công, vì vậy họ thúc đẩy việc học của con ngay từ bậc tiểu học.