Những đứa trẻ vô tình bị nhiễm bệnh giang mai do đường lây nhiễm từ mẹ sang con.
- Thông tin mới về tình hình sức khỏe của hơn 700 ca sốt bất thường tại tỉnh Bắc Kạn: Tiến triển tốt, có dấu hiệu khả quan
- Ăn một trái bắp (ngô) vào sáng sớm, cơ thể nhận được 7 điều kì diệu ngoài sức tưởng tượng
Mức độ nguy hiểm của căn bệnh trên khi lây truyền từ mẹ sang con được các bác sĩ cảnh báo. Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chia sẻ trên Báo VietNamnet cho biết, khoảng 20 bệnh nhi đã phải nhập viện từ đầu năm đến nay vì biến chứng của giang mai sơ sinh. Đây là con số cao bất thường. Hầu hết trẻ dưới 2 tháng tuổi. Trong đó, có bé bị viêm màng não hoặc hủy xương, nhiễm trùng máu…
Cụ thể, một bệnh nhi bị biến chứng hủy xương cánh tay, đầu dưới xương đùi và xương chày. Người mẹ được xét nghiệm dương tính với giang mai trong lúc mang thai. Tuy nhiên, chị không điều trị, không dự phòng lây từ mẹ sang con, cho đến khi con bị mắc bệnh mới nhận ra.
Một trẻ khác bị biến chứng viêm màng não nghiêm trọng, phải dùng kháng sinh lâu dài và chăm sóc tích cực. Người mẹ trước đó khám thai ở phòng khám tư nhân. Chị có kết quả mắc giang mai nhưng lại không được tư vấn điều trị, trẻ cũng không được dự phòng nên bị lây bệnh từ mẹ.
Bệnh giang mai biểu hiện và lây truyền như thế nào?
Các biểu hiện của bệnh giang mai để bạn nhận biết có thể bao gồm:
- Các vết loét nhỏ hoặc không đau, thường xuất hiện trên dương vật, âm đạo hoặc xung quanh hậu môn, nhưng có thể xảy ra ở những nơi khác như miệng.
- Phát ban đỏ nổi mẩn thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
- Xuất hiện sẩn như mụn cóc sinh dục có thể phát triển trên âm hộ ở phụ nữ hoặc xung quanh hậu môn ở cả nam và nữ.
- Các mảng trắng trong miệng.
- Mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp, sốt và nổi hạch ở cổ, nách và bẹn.
Một số con đường lây truyền hầu như ai cũng biết đó chính là việc quan hệ tình dục, đa số các cách quan hệ tình dục (đường âm đạo, hậu môn hay miệng) đều là nguyên nhân lây truyền bệnh giang mai. Lây truyền do tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai qua các vết xước trên da, niêm mạc. Lây truyền do truyền máu hay qua các dụng cụ tiêm, chích bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, con đường lây truyền từ mẹ sang con ngày càng tăng. Bệnh hủy hoại sức khỏe trẻ nếu cha mẹ không điều trị và phòng ngừa.
Mắc bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai có thể gây những biến chứng nguy hiểm đến thai kỳ và trẻ sơ sinh như sinh non, đa ối, tử vong thai nhi và giang mai bẩm sinh. Mắc bệnh giang mai bẩm sinh có thể gây tử vong cho thai nhi hoặc dị dạng thai nhi.
Bệnh giang mai bẩm sinh sẽ gây biến chứng toàn thân, suy đa cơ quan. Nếu trẻ mắc giang mai biến chứng sang não sẽ gây mủ tụ dịch hoặc chậm phát triển tâm thần vận động, biến chứng ở xương sẽ bị hủy xương, biến chứng sang mắt, tai sẽ khiến trẻ giảm thị lực, điếc…
Hầu hết trẻ đến bệnh viện sau khi có triệu chứng như chảy ghèn mắt xanh, chảy nước mũi, sốt, nổi ban bất thường, da bong tróc…
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2020, thế giới có khoảng 7,1 triệu trường hợp giang mai mới. Số ca mắc mới ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, chiếm 1,1 triệu ca.
Quá trình mang thai, không chỉ siêu âm, đo tim thai mà người mẹ phải thực hiện xét nghiệm, tầm soát các bệnh có thể điều trị để sớm có biện pháp can thiệp, tránh nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.
Phụ nữ mang thai cần được làm xét nghiệm sàng lọc giang mai trong 3 tháng đầu và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Quy cũng cho hay, các bệnh HIV, viêm gan B, giang mai có thể điều trị dự phòng và hoàn toàn miễn phí, thai phụ cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị để con sinh ra khỏe mạnh.