Những lời Phật dạy cách gieo trồng phước đức sau đây đều là những thứ nằm trong khả năng của tất cả chúng sinh, chỉ là ta có thực sự lưu tâm để thực hiện nó thường xuyên, mỗi ngày hay không mà thôi.
- Cổ nhân dặn rồi: Sống mà tham lam quá độ ''3 thứ'' này thì cuộc đời cũng sớm hóa hư vô
- CÓ VAY CÓ TRẢ, Người thân đến vay tiền, từ chối sao để vừa khôn khéo lại không mất tình cảm?
Thời Đức Phật còn ở lại thành Xá Vệ, nơi rừng cây Kỳ Đà, vườn ông Cấp Cô Độc có một vị chư Thiên muốn gặp Phật để nhờ Người giải đáp thắc mắc của mình. Đảnh lễ Phật xong, chư Thiên cúi đầu hỏi:
- Chư Thiên cùng nhân loại làm thế nào để được sống bình yên và hạnh phúc? Kính xin Thế tôn chỉ dạy.
Phật trả lời:
- Lành thay! Lành thay! Thiên nhân khéo biết cách thưa hỏi, ta sẽ vì ngươi chỉ dạy 10 phương pháp gieo trồng phước đức, để làm lợi lạc cho Trời Người trong hiện tại và mai sau.
1. Lánh xa kẻ xấu ác
Những kẻ xấu thì nhất định không nên giao lưu huống gì là nghĩ tới việc thân thiết với họ, thế nên không chỉ đối tác làm ăn mà bạn bè cũng phải được chọn lựa cẩn thận. Nhất là khi nhận ra sự xấu xa của họ thì phải tìm cách tránh xa.
Lời Phật dạy về cách chọn bạn: Kết được bạn tốt đời nở hoa, gặp bạn xấu đời là bể khổ. Vì theo bạn xấu thì cuộc đời ta tối tăm, ngược lại, nếu được ở cạnh bạn tốt thì ta cũng được học hỏi, thay đổi cuộc sống tích cực hơn và đó chính là phước đức mà ta có được.
Nhưng thực tế trong cuộc sống không phải ai cũng biết chọn bạn mà chơi vì con người khó lường, thật giả, xấu tốt lẫn lộn, ta phải đủ thông tuệ mới biết ai thực lòng còn ai gian dối với ta.
Thậm chí, có những người đã phải trả giá bằng tiền bạc, bằng thời gian mới nhận ra ai là người nên tránh xa. Việc này cũng cần có được sự tu dưỡng nhất định mới giỏi nhận định vấn đề.
2. Sống trong môi trường tốt
Có nhiều người quá tự tin nghĩ rằng chỉ cần mình sống tốt là được, không để tâm lắm tới môi trường xung quanh. Thế nhưng người xưa từ lâu đã lưu tâm tới điều này và điển hình là tấm gương mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà vì con và hơn ai hết bà biết rằng môi trường để cho con trưởng thành vô cùng quan trọng.
Nếu được môi trường học tập, làm việc tốt quả là việc đáng mừng vì đó là cơ hội để ta có thể gieo trồng phước đức. Sự thật là nếu không may ta rơi vào môi trường xấu, chốn công sở lắm thị phi, toàn gieo rắc tư tưởng độc hại thì lâu dần ta cũng có suy nghĩ, hành động giống những kẻ xung quanh và làm tổn hại tới người khác nhưng vẫn tưởng là mình đúng.
3. Học nghề hay
Phật dạy cách gieo trồng phước đức ở chỗ chúng ta cần phải chọn nghề nghiệp phù hợp chứ không đơn giản tìm một công việc để kiếm cớ sinh nhai hay làm giàu. Có những nghề không có hậu dù kiếm được tiền nhiều đến mấy cũng nên tránh xa.
Nên nhớ, phần lớn cuộc đời của chúng ta là dành cho công việc nên nếu học được nghề nghiệp tốt, sống bằng nghề ấy, ta cảm thấy cuộc đời mình ý nghĩa hơn, thông qua đó giúp đỡ được nhiều người hơn nữa thì quả là cách gieo phúc lộc hữu hiệu.
4. Cung phụng mẹ cha
Cuộc sống bộn bề với nhiều lo toan nên không phải ai cũng có nhiều thời gian để ở bên chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. Thế nhưng cũng không có nghĩa là bỏ bê luôn cả việc này.
Việc thể hiện sự hiếu thuận cũng là một trong những điều Phật dạy cách gieo trồng phước đức mà ai ai cũng phải lưu tâm. Thuở Phật còn tại thế có một vị chư Thiên đến hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, làm sao để có được vận may? Phật đáp: "Phụng dưỡng cha và mẹ là vận may tối thượng”.
Đúng là việc báo hiếu cho cha mẹ không phải là việc dễ dàng nhưng con cái nhất định phải cố gắng thực hiện bằng những cách khác nhau tùy theo điều kiện của mình.
Ví dụ như con ở xa không thể lo cho họ từng bữa ăn, giấc ngủ thì cũng phải biết thi thoảng gửi quà về và thường xuyên thăm hỏi sức khỏe bố mẹ, đừng kiếm cớ rằng mình bận mà không có chút thời gian để gọi điện.
5. Sống vui vẻ bố thí
Trong cuộc sống này, chúng ta chẳng thể nào sống đơn lẻ, muôn loài phải dựa vào nhau mà sống. Vì thế, hãy sẵn lòng bố thí, giúp đỡ, cho đi bằng tâm vô tư, thoải mái vì đó không chỉ lợi cho người mà còn lợi cho cái tâm của mình.
Luôn tâm niệm trong cuộc sống này ta phải tìm cách để bố thí cho mọi người tùy vào sức của mình. Không phải chỉ người có tiền bạc mới có thể đi bố thí còn người nghèo thì không. Ai cũng có cách riêng phù hợp với mình, ví dụ khi không có nhiều tiền thì ta vẫn có thể bố thí lời hay ý đẹp, một lời động viên, một kiến thức mà ta đã biết...
6. Tránh làm điều ác
Theo luật Nhân Quả, khi một kẻ làm điều ác thì gieo nhân xấu chỉ làm tổn phước chứ làm gì mong có được thêm phước lộc, may mắn cho mình. Vì thế, nhất định phải tự răn mình tránh xa những thói hư tật xấu như nghiện ngập, rượu chè bê tha vì chúng là tác nhân khiến ta mất đi khả năng kiểm soát thân và tâm của mình, dễ rơi vào con đường phạm tội lúc nào không hay.
Đã có những chuyện như hai người bạn thân ngồi nhậu say sưa với nhau nhưng đến khi có một lời phật lòng, trong lúc thiếu kiểm soát, "rượu điều khiển" nên họ đã gây ra án mạng cực kỳ thương tâm.
Do đó, để tránh làm điều ác chỉ bằng việc phòng ngừa những tác nhân có thể gây ra cái ác đó trước tiên.
7. Khiêm cung lễ độ
Ở trên đời, đừng vội tự tin rằng mình hay, mình biết hết, cái gì cũng giỏi cái gì cũng tinh thông. Với thái độ ấy thì ta chẳng thể học hỏi được thêm điều gì.
Thực ra ta cũng chỉ là "ếch ngồi đáy giếng" chỉ biết bầu trời to bằng miệng giếng mà thôi, cho đến khi thoát khỏi cái giếng đó ta mới hay bầu trời rộng lớn, mênh mông biết nhường nào.
Vì thế, dù ta đang ở đâu, có vị trí như thế nào cũng phải có thái độ khiêm tốn, biết kính trên nhường dưới, không ngừng học hỏi mỗi ngày nhằm mở mang kiến thức của mình.
Có thể ban đầu ta biết ít thì chỉ nổi tiếng trong cái "ao làng" nhưng khi ta mở mang kiến thức thì được nổi tiếng xóm trên, xóm dưới. Đó chính là phước đức mà ta có được nhờ thái độ khiêm cung, lễ độ và không ngừng học tập mà nên.
8. Kiên trì phục thiện
Không chỉ tránh xa điều ác mà chúng ta còn cần phải làm những việc thiện, việc lành để gia tăng phúc báu của mình.
Thế nhưng việc nào mới là thiện, việc nào mới là ác thì không phải ai cũng sáng tỏ. Do đó, ta cần tìm gặp những người hiểu biết, những bậc thánh hiền để đi theo học hỏi, tránh lầm đường lạc lối.
Hầu hết chúng ta chưa đủ trải nghiệm để hiểu đâu là con đường đúng đắn mà đi theo nên không ít người dù có ý định tốt nhưng lại đi sai đường, dễ bị tà đạo dẫn dụ. Do đó, việc may mắn có được người tốt chỉ đường để ta hành thiện cũng là do duyên lành mang tới, nhờ đó mà ta mới có thể tích đức, có thêm phước lộc trong cuộc sống này.
9. Luôn tỉnh thức
Nhiều người chăm chỉ làm lụng nhiều năm nhưng chẳng tích lũy được gì, thậm chí còn không nhận ra vấn đề cho tới khi lớn tuổi vừa mắc bệnh, vừa nghèo khổ, không ai chăm lo lại oán thán trời đất.
Thế nên Phật dạy cách gieo trồng phước đức đó là luôn tỉnh thức trong từng việc mình làm, quán chiếu lại thân mình xem việc mình làm có đúng, có sai ở đâu, có gây thiệt hại cho ai không?
Thậm chí, dù là làm nghề gì, giúp đỡ hay bố thí cho ai cũng cần có trí tuệ soi sáng chứ không phải là làm mọi thứ một cách mù quáng vì có thể chúng ta giúp nhầm người, gây ra không ít hệ quả xấu, ảnh hưởng tới những người khác.
Sự tỉnh thức ở đây còn thể hiện ở chỗ mỗi ngày phải nhìn lại mình, để biết cái mình hay, cái mình dở, biết sám hối những điều vô tình hoặc cố ý mình làm chưa đúng. Từ đó tìm cách để sửa đổi bản thân, trở nên tốt lên mỗi ngày thì khi đó mới mong hậu vận hanh thông, thuận lợi, không phải lo lắng, phiền muộn nữa và đó mới là người hưởng phúc thực sự.
10. Không gây mâu thuẫn
Làm việc cùng mọi người luôn có thể xảy ra xung đột về ý tưởng, lợi ích vậy ta nên làm gì để không ảnh hưởng tới phúc báu của mình về sau?
Theo những lời Phật dạy, người biết tạo ra phước đức lớn cho mình là khi tương tác làm việc với mọi người không so đo thiệt hơn, sẵn sàng làm hết mình và luôn giữ được sự an nhiên, bình tĩnh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nếu có mâu thuẫn thì cũng biết cách nhún nhường vì điều quan trọng nhất là dứt được tâm phiền não chứ không phải cố gắng để chứng tỏ mình thắng, kẻ khác thua.