Thịt lợn là món ăn quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên để chọn được miếng thịt lợn ngon nhất thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là 5 miếng thịt ngon nhất trên con lợn, các mẹ đã biết để chọn mua chưa?
5 miếng thịt ngon nhất trên con lợn
Các bà nội trợ có thể đang đi chợ hàng ngày để mua thịt lợn, cũng có thể hàng ngày vẫn đang ăn thịt lợn, và biết rõ cảm giác khác nhau khi ăn những miếng thịt khác nhau, nhưng không hẳn bạn đã biết miếng thịt đó là phần nào trên thân con lợn.
Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách chọn những miếng thịt ngon nhất trên con lợn để tiện lựa chọn khi đi chợ.
1. Thịt áp sườn (vùng hông)
Miếng thịt nạc bám vào xương sườn, xương sống, được xem là miếng thịt ngon nhất trên thân lợn. Đây còn được gọi là miếng thịt hoàng đế vì chất thịt rất mềm, thơm, ngọt. Tuy nhiên miếng thịt này khi ăn không “sướng miệng” bằng những vùng thịt khác, nhưng lại có thể chế biến đa dạng, món nào cũng có thể nấu được.
Do nếu lọc miếng thịt này ra thì sẽ ảnh hưởng đến hình thức thẩm mỹ của sườn, và xương khi bán, nên đa phần người bán sẽ để thịt kèm vào xương hoặc sườn mà không bán riêng. Bà nội trợ sành ăn, sẽ chọn miếng thịt này để mua đầu tiên.
2. Thịt thăn (nạc thăn lưng)
Miếng thịt thăn gần với thịt vai ở trên lưng lợn. Mỗi con lợn chỉ có 1 miếng thăn dài, cũng là miếng thịt được xem là đắt nhất trên thân con lợn. Đứng ở vị trí số 2 về chất lượng thịt.
Thịt thăn thuần nạc, thớ nhỏ, đặc thịt, có độ kết dính cao, mùi thịt thơm ngon, khô ráo. Cách phù hợp nhất để chế biến là luộc, hấp, xào, nấu kiểu ninh nhừ, cắt lát mỏng để cuốn. Đây cũng là miếng thịt có thể nấu dạng nướng bỏ lò nguyên miếng, rán hoặc băm nhỏ nấu canh.
3. Thịt bắp chân trước
Đây là miếng thịt được đánh giá là ngon thứ 3 trên thân lợn. Thịt nạc nhiều, chắc, sẫm màu, có độ giòn và mềm dẻo, thơm. Miếng thịt này phù hợp với cách chế biến kho hoặc hầm, luộc, cắt thành miếng để hấp.
4. Thịt vai
Miếng thịt vai ở vị trí trên gần sống lưng chân trước, ngay sát miếng thịt thủ. Thịt ở vị trí này có cả nạc lẫn chút mỡ, nhưng phần nạc nhiều hơn, thớ thịt chia thành từng mảng nhỏ.
Chất thịt trơn mềm, ăn vào rất hợp khẩu vị, ăn nhiều không chán, có mỡ nhưng không ngấy. Món ăn ngon nhất khi chế biến miếng thịt này làm băm nhỏ làm thịt viên và các món ăn cần băm, hấp, chiên rán…
5. Thịt bắp chân sau (ở đùi trên chân sau)
Miếng thịt này gọi là thịt đùi hoặc thịt bắp, giáp với thịt mông sấn vùng sát chân giò. Miếng thịt này thường nạc đặc, mùi thơm, mềm, có nhiều nước, vị thịt đậm. Cách ngon nhất để chế biến món này chính là nhúng lẩu, hấp, luộc, cắt thành miếng mỏng để xào.
Bên cạnh đó, để chất lượng thịt ngon các bà nội trợ cũng cần lưu ý những điểm sau:
Lớp mỡ của thịt
Khi đi chợ, chị em lưu ý, thịt lợn sử dụng chất tạo nạc có lớp mỡ mỏng (dưới 1 cm). Còn với thịt lợn bình thường, mỡ thường dày 1,5 – 2cm có màu trắng trong đến trứng ngà, ăn giòn và không ngấy như thịt mỡ lợn nuôi bằng cám tăng trọng. Do đó nếu quan sát nếu thấy phản thịt toàn nạc, phần nạc và mỡ tách rời thì không nên mua.
Độ đàn hồi và mùi vị:
Chọn miếng thịt ngon và sạch là khi ấn ngón tay lên thịt rồi bỏ ngón tay ra, thịt trở về vị trí như cũ. Miếng thịt này có độ đàn hồi tốt. Về mùi vị, khi còn sống, thịt lợn siêu nạc sẽ có mùi tanh hơn thịt lợn sạch. Khi đã nấu lên có mùi hôi, rất khó ngửi.
Kiểm tra khối thịt:
Với thịt lợn sạch, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao khi ấn xuống, thớ thịt đều, đường cắt mặt thịt khô ráo. Thịt chứa tồn dư chất cấm thường khô hơn, cứng hơn và ít đàn hồi. Lợn ăn chất tạo nạc sẽ có cảm giác như ứ nước bên trong, cục nạc nổi thành u, khi thái có thể có dịch vàng chảy ra. Một cách thử đơn giản khác là khi thái thịt thành miếng dày 3-4 cm, nếu không đứng thẳng được thì đó là thịt đã nuôi tăng trọng.
Khi chế biến:
Thịt lợn sạch khi luộc nước trong, không váng bẩn, khi rang miếng thịt nở ra, không ra nước, có mùi thơm. Thịt siêu nạc hoặc nuôi cám tăng trọng khi luộc thường nhiều váng, nước có mùi hôi, khi rang ra nhiều nước, ăn khô. Nếu lợn được người chăn nuôi cho ăn kháng sinh, khi nấu thịt sẽ bốc hơi mùi kháng sinh dễ nhận biết.
Đối với thịt nhiễm kí sinh trùng:
Vùng thịt có gân mỡ như thịt vai, thịt bắp, thịt thủ… nếu thấy những hạt như hạt gạo nếp (ấu trùng sán tập trung thành từng bọc) thì không nên mua. Khi thái thịt, có thể cắt thịt theo thớ dọc, nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì thực phẩm này đã bị nhiễm kén sán.
Hướng dẫn mẹ cách làm thịt rim nước mắm cực ngon và đưa cơm trong mùa đông
Nguyên liệu làm thịt ba chỉ rim nước mắm
- Thịt ba chỉ: 500g
- Gừng tươi: 1 nhánh nhỏ
- Hành lá: 50g
- Ớt: 3 quả
- Gia vị: Hành khô, tỏi, hạt nêm, nước mắm, bột ngọt, đường, tiêu bột, ớt bột, rượu trắng.
Cách làm thịt ba chỉ rim nước mắm
- Bước 1 (sơ chế nguyên liệu): Hành khô, tỏi rửa sạch, băm nhỏ. Gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ, thái chỉ.
Thịt ba chỉ: Rửa sạch, để ráo, cắt miếng vuông vừa ăn chần qua nước sôi.
Hành lá: Nhặt và rửa sạch, thái nhỏ, phần đầu hành chẻ làm 4 rồi mới thái nhỏ nhé;
Ớt: Rửa sạch, thái lát.
- Bước 2: Phi thơm 2 thìa dầu ăn với hành tỏi băm nhuyễn và 1 thìa ớt bột, để riêng;
Cho 3 thìa dầu ăn và 2 thìa đường phèn (hoặc đường trắng) vào nồi bạn sử dụng để kho thịt (nên sử dụng nồi dày) lắc cho đều, đun nhỏ lửa liu riu đến khi đường tan chảy chuyển sang màu vàng cánh gián nhạt là được.
Cho thịt ba chỉ đã luộc sơ vào nồi, vặn lửa nhỏ, đảo đều, cho hỗn hợp dầu ăn, hành tỏi băm nhỏ, ớt bột đã phi thơm ở trên, gừng thái chỉ, 1 thìa hạt nêm, 2 thìa nước mắm, 2 thìa bột ngọt, 2 thìa rượu trắng vào, tiếp tục đảo đều, rồi cho thêm 1 ít nước vào, đến khi nước sôi, bạn vặn lửa nhỏ liu riu, đậy kín nắp nồi rim trong 30 phút.
- Bước 3: Sau đó, mở nắp nồi, nêm nếm lại gia vị sao cho vừa ăn rồi tiếp tục đảo đều thịt trên bếp khoảng 3-4 phút đến khi nước kho thịt vừa sánh lại bao quanh từng miếng thịt thành màu cánh gián đậm là được. Cho thêm hành lá, ớt thái nhỏ rồi tắt bếp.