Bác sĩ chẩn đoán đứa bé bị bỏng cấp độ 3 ở mặt, cổ, ngực, tay và chân, cần phải trải qua vài cuộc cấy ghép da.
- Bà mẹ trẻ cố tình để con gái bị bỏng, người chồng định mắng vợ nhưng biết lý do sâu xa, ai nấy đều gật gù khen làm đúng
- Trẻ bị bỏng nặng chỉ vì 1 sơ suất rất nhỏ nhưng nhiều cha mẹ mắc phải khi chuẩn bị nước tắm cho con
Sự việc đau lòng này xảy ra tại Cannock, Staffordshire (Anh), khi em bé mới biết đi tên là Dougie Dodd đang chơi với một cái chảo ở dưới sàn bếp, trong khi mẹ bé - cô Nadia Hulse (25 tuổi), đang vừa nấu ăn, vừa trò chuyện video với bà ngoại của Dougie. Lúc đó, cậu bé cầm trong tay một cái muỗng và đưa nó về phía nồi hấp rau củ đang sôi trên bếp.
Nadia kể: "Tôi ở ngay bên cạnh Dougie khi sự việc xảy ra. Có lẽ vì tôi hét lên "Dougie, không được!" khiến con bị giật mình. Khi thằng bé đi lùi lại, cái muỗng bị kẹt vào quai cầm và cái nồi lật nghiêng, đổ ập vào người Dougie".
"Tôi vội cởi hết quần áo của con ra và đưa thằng bé lên lầu rồi cho con vào trong bồn tắm chứa nước lạnh nhưng Dougie la hét điên cuồng và cố gắng thoát ra khỏi bồn tắm để ôm lấy mẹ".
May mắn là toàn bộ sự việc đều được bà ngoại của Dougie trông thấy thông qua cuộc gọi video nên bà đã nhanh chóng gọi xe cứu thương. Bé trai được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Birmingham với những vết bỏng bao trùm một nửa cơ thể. "Con tôi rất đau đớn khi ở trong bệnh viện, còn tôi thì không thể ngừng khóc. Trong đầu tôi lúc đó chỉ là một mớ hỗn độn", Nadia nhớ lại.
Bác sĩ cho biết Dougie bị bỏng cấp độ 3 ở mặt, cổ, ngực, tay và chân. Bé sẽ phải trải qua các cuộc cấy ghép da, nghĩa là các bác sĩ lấy da từ đùi của bé để thay cho lớp da đã chết ở cổ tay trái và ngực. Nhưng đó vẫn chưa phải là thử thách cuối cùng của hai mẹ con Nadia.
Sau vài ngày nằm viện, đột nhiên, huyết áp của Dougie tăng vọt lên và bé cần mặt nạ dưỡng khí để thở. Các bác sĩ chẩn đoán đứa bé bị hội chứng sốc độc - một tình trạng có khả năng gây tử vong do nhiễm trùng - nên bắt buộc họ phải truyền máu huyết tương cho Dougie. Và may mắn lại một lần nữa mỉm cười, khi sau vài giờ truyền máu, bé trai đã có dấu hiệu phục hồi. Cuối cùng, Nadia cũng được đưa con về nhà sau gần 2 tháng nằm viện.
Hiện tại, Dougie đã được hai tuổi, và bé vẫn mặc áo nén vào ban đêm để cố gắng giảm sẹo.
Tuy câu chuyện này đã xảy ra từ hồi tháng 3 năm nay, nhưng đến bây giờ, Nadia mới dám đối mặt với nó để kể lại cho mọi người biết. Nadia cho biết: "Dougie vẫn là một em bé vui vẻ, hoạt bát và không thay đổi tính cách hướng ngoại của mình một chút nào. Nhưng tôi vẫn cảm thấy tội lỗi. Tôi biết đó là một tai nạn kỳ quặc và điều duy nhất tôi có thể làm là không cho con chơi trong bếp khi tôi đang nấu ăn. Tôi lo lắng về việc thằng bé lớn lên sẽ mặc cảm với những vết sẹo của mình, nhưng bây giờ, tôi liên tục trấn an con mỗi ngày về việc con đã dũng cảm như thế nào với những vết sẹo này".
Hiện tại, Dougie đã được hai tuổi, và bé vẫn mặc áo nén vào ban đêm để cố gắng giảm sẹo.
Cách bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bị bỏng khi chơi trong bếp:
Tai nạn bỏng nước sôi do bị té ngã hoặc bị nồi canh, phích nước đổ vào người không phải là tai nạn hiếm gặp ở trẻ em. Vì trẻ rất hiếu động và tò mò, nên chỉ cần cha mẹ sơ sểnh một chút thôi là tai nạn thương tâm đã xảy ra rồi.
Do đó, để phòng chống những sự việc đau lòng này, cha mẹ nên bố trí bếp nấu, nồi canh, phích nước ở trên cao, ngoài tầm với của trẻ. Khi nấu thì nên quay cán xoong, chảo vào phía trong. Tuyệt đối không cho trẻ chơi, nô đùa nơi người lớn đang nấu ăn. Đồng thời, luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống, nước tắm trước khi cho trẻ ăn, uống, và tắm rửa.
Các bước sơ cứu cơ bản khi trẻ bị bỏng nước sôi:
Nếu chẳng may con lỡ bị bỏng, cha mẹ hãy làm những bước sơ cứu cơ bản dưới đây:
- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.
- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.
- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.
- An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.
- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.