Các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả về độ tuổi lý tưởng để bé có thể tiếp thu ngoại ngữ nhanh nhất và hướng dẫn phương pháp dạy ngoại ngữ cho bé để đạt hiệu quả tối ưu.
- 5 phương pháp dạy con học ngoại ngữ tốt nhất từ khi mới lọt lòng
- 3 trò chơi vừa giúp trẻ học toán, vừa cải thiện khả năng đọc hiểu
Dạy con học ngôn ngữ bằng phương pháp “Parentese”
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học và rất nhiều bậc cha mẹ đã nhận ra những lợi ích to lớn của việc dạy trẻ học ngoại ngữ ngay từ nhỏ, đó là nâng cao khả năng nhận thức của bé, đặc biệt là kĩ năng giải quyết vấn đề sau này. Đối với trẻ được sinh ra và lớn lớn lên trong những gia đình song ngữ thì việc dạy bé nói thêm 1 thứ tiếng khác ngoài tiếng mẹ đẻ có vẻ dễ dàng hơn. Nhưng với những gia đình chỉ nói 1 thứ tiếng, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bé có thể học ngoại ngữ và phát triển các kỹ năng như vậy?
Nhà nghiên cứu khoa học Naja Ferjan Ramirez, từ Viện Nghiên cứu Learning & Brain Sciences (I-LABS) thuộc trường đại học Washington, Mỹ cho biết: "Khi nghiên cứu về sự phát triển ngôn ngữ sớm ở trẻ nhỏ, chúng tôi đã gặp rất nhiều các bậc cha mẹ tỏ ra hào hứng muốn cho con học thêm 1 ngôn ngữ nhưng bản thân họ lại không dạy được hoặc không đủ khả năng để thuê bảo mẫu hay gia sư nước ngoài để dạy con”.
Trên tạp chí Mind, Brain, and Education, Viện I-LABS đã có bài viết về việc làm thế nào để trẻ có thể học thêm 1 ngôn ngữ khi không thể học ở nhà. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra câu trả lời về cách liệu trẻ sơ sinh có thể học ngôn ngữ thứ hai nếu không được dạy ngay từ khi còn ở nhà với cha mẹ, và nếu vậy thì nên cho trẻ tiếp cận với ngoại ngữ như thế nào với mức độ ra sao để kích thích khả năng học ngôn ngữ của trẻ. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã phát triển một chương trình giáo dục dưới hình thức trò chơi, theo đó trẻ sơ sinh có thể được dạy ngoại ngữ chỉ trong 1 giờ mỗi ngày. Hình thức này ban đầu được nghiên cứu và thực hiện tại 4 trung tâm giáo dục trẻ sơ sinh công lập ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha.
Nghiên cứu được thực hiện với 280 trẻ sơ sinh đến từ các gia đình có mức thu nhập khác nhau. Các bé được dạy theo phương pháp có tên “Parentese” - tức là sử dụng cách diễn đạt đơn giản với tông giọng cao và dài hơn, phù hợp với thanh quản còn khá hẹp của bé. Ví dụ, khi nói chuyện với một người lớn, bạn nói: “Xin chào, bạn đã pha cà phê cho tôi đấy ư?” còn với bé bạn có thể nói: “Chàoooo cooon yêuuuu của mẹeeeeee. Coo…n đang đeo một chiếc bỉiiiiiim mới đúng không?”. Nói theo cách này sẽ giúp bé nhận diện và bắt chước được cách phát âm. Nó đặc biệt hiệu quả đối với trẻ trong khoảng 18 tháng. Với phương pháp này cha mẹ sử dụng những từ đơn giản dưới các hình thức diễn đạt khác nhau, có nhịp điệu giống như đang hát để bé dễ tiếp thu. Nhiều cặp cha mẹ không nói chuyện với trẻ sơ sinh vì họ nghĩ chúng không biết gì. Nhưng thực tế là các bé vẫn tiếp thu bình thường và bạn nên nói chuyện với con như với bất cứ một người lớn bình thường nào khác. Chính vì vậy mà theo bà Ferjan Ramirez, phương pháp “Parentese” là cách giúp bé học ngôn ngữ mới khá hiệu quả.
Thời điểm “vàng” cha mẹ nên cho con học ngoại ngữ đó là từ 0-3 tuổi
Trong nghiên cứu này, các bé từ 7-33,5 tháng tuổi được chia làm 2 nhóm, một nhóm sẽ học Tiếng Anh mỗi ngày 1 tiếng trong vòng 18 tuần. Nhóm cơ bản sẽ học theo chương trình song ngữ chuẩn của trường học tại Marid. Cả 2 nhóm được kiểm tra nhận thức bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh vào cuối tuần thứ 18. Trong quá trình học, các bé được trang bị máy ghi âm để ghi lại số từ và cụm từ Tiếng Anh mà mỗi bé nói được.
Kết quả cho thấy, nhóm thứ nhất trẻ đã nói được trung bình 74 từ hoặc cụm từ tiếng Anh trên 1 bé mỗi giờ; còn các bé trong nhóm chuẩn chỉ nói được 13 từ hoặc cụm từ tiếng Anh mỗi giờ. Bà Ferjan Ramirez nhận xét những phát hiện này cho thấy rằng ngay cả trẻ sơ sinh trong gia đình chỉ nói duy nhất 1 thứ tiếng vẫn có thể phát triển khả năng học song ngữ ngay từ khi còn nhỏ. "Với cách tiếp cận dựa trên khoa học đúng đắn kết hợp các đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ, chúng ta có thể thấy trẻ nhỏ có khả năng học ngoại ngữ chỉ với 1 giờ chơi mỗi ngày trong môi trường giáo dục sớm. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cách mà nhiều cha mẹ vẫn nghĩ về việc cho con học ngoại ngữ", bà nói thêm.
Mức thu nhập nhiều hay ít cũng không phải là yếu tố ảnh hưởng tới khả năng học ngoại ngữ của bé. Tiếng mẹ đẻ vẫn tiếp tục phát triển và không hề gặp cản trở nào trong quá trình các bé học thêm ngoại ngữ.
Bà Patricia Kuhl, đồng nghiên cứu và giám đốc viện I-LABS, giáo sư ngôn ngữ và khoa học thính giác, kết luận: "Khoa học đã chứng minh bộ não của trẻ vận hành như những cỗ máy “in” chữ tuyệt vời nhất, và thời điểm tốt nhất để bé học đó là giai đoạn sơ sinh. Đặc biệt là thời gian “vàng” để bé học và tiếp thu ngoại ngữ tốt nhất chính là từ 0-3 tuổi”.
Kết quả của nghiên cứu này mở ra cơ hội chuyển đổi cách giảng dạy ngôn ngữ sớm cho trẻ nhỏ tại Mỹ và trên toàn thế giới. Các bé hoàn toàn có khả năng học cả tiếng mẹ đẻ và học thêm ngoại ngữ ngay từ rất nhỏ nhưng có 1 thực trạng đó là rất ít trẻ được tiếp xúc với Tiếng Anh trước khi các bé vào mẫu giáo và kết quả các bé học chậm hơn và tụt sau các bạn cùng trang lứa.
Bà Kuhl nhấn mạnh: "Rất rất nhiều bậc cha mẹ không chỉ tại Tây Ban Nha, Mỹ mà trên khắp thế giới đều đang mong muốn tạo cho con của họ cơ hội được học ngoại ngữ sớm. Nghiên cứu mới của Viện I-LABS cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể tạo môi trường học song ngữ cho trẻ ngay từ nhỏ chỉ với 1 giờ mỗi ngày, dựa trên cơ sở các trò chơi. Trẻ sơ sinh có thể bắt đầu học ngôn ngữ thứ hai từ rất sớm và dễ dàng tiếp thu hơn cha mẹ vẫn nghĩ trước đó".