Trẻ ở lứa tuổi mầm non, nếu hay bị đón muộn sau giờ tan học sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý, nghiêm trọng hơn là tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách.
- Sai lầm tai hại của mẹ khi chăm trẻ sơ sinh khiến con ốm yếu, khó nuôi
- Kết quả của nghiên cứu 300 triệu USD: Trẻ sử dụng thiết bị điện tử 7 giờ/ngày dễ bị mỏng vỏ não
Đón con muộn gây ảnh hưởng thế nào đến con trẻ?
Cuộc sống bận rộn, nhiều phụ huynh mải miết với việc kiếm tiền đến nỗi muộn cả giờ đón con. Nó không chỉ diễn ra ngày 1, ngày 2 mà trở nên triền miên. Vô tình, gây ra những hậu quả khôn lường đối với sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ.
Đón con muộn thường xuyên sẽ gieo vào lòng trẻ nỗi sợ hãi
Những gia đình có trẻ ở lứa tuổi mầm non (từ 3 – 6 tuổi), chưa thể tự đến lớp. Giờ trẻ tan học khoảng 16h chiều, sớm hơn giờ tan tầm từ 1 – 2 tiếng. Chính vì thế, việc đến đón con muộn diễn ra rất phổ biến ở các thành phố lớn, đến mức giáo viên mầm non ở nhiều trường phải kiêm luôn công việc giữ trẻ ngoài giờ.
Thực tế, nhiều bậc cha mẹ coi chuyện đến trường đón con trễ là hết sức bình thường, mọi việc đã có cô giáo lo. Nhưng họ không ngờ được, đây chính là hành động gieo vào lòng trẻ nỗi sợ hãi mơ hồ trong suốt những năm tháng ấu thơ. Thử nghĩ xem, người lớn chỉ cần đợi chờ từ 5 – 10 phút, đã bắt đầu nóng nảy, bất an, lo lắng. Huống hồ chỉ là những đứa bé, coi cha mẹ như cả thế giới của mình.
Sự sợ hãi đó lặp đi lặp lại qua từng ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành tính cách của trẻ.
Trẻ có thể trở thành người hay bất an
Việc đến trường đón con muộn, có thể sẽ trở thành thói quen, và đứa con bé bỏng của bạn sẽ không còn mong mỏi hay yêu cầu bạn đến đúng giờ nữa. Nhưng những nỗi sợ cố hữu không hề biến mất, bé vẫn cứ lo lắng hằng ngày, thậm chí dần dà trở nên thất vọng, buồn bã, nặng nề hơn là trầm cảm.
Điều đáng nói, những hậu quả này rất khó nhận ra khi bé còn nhỏ, chỉ biểu hiện rõ rệt ở lứa tuổi dậy thì, nổi loạn và cả khi trưởng thành. Theo các nghiên cứu khoa học đã được công bố, trẻ mầm non thường xuyên bị cha mẹ đến đón trễ sẽ hình thành tâm lý bất an. Từ đó trở nên bi quan, luôn ở trong trạng thái sợ sệt khi gặp những chuyện không bình thường.
Hơn nữa, mỗi khi phải ở một mình, làm việc một mình, những người có tiềm thức bất an sẽ luôn luôn thấp thỏm, sợ hãi những điều hoang đường. Cảm giác lo lắng, sợ hãi vô cớ là điều không ai muốn. Vì thế, đừng biến thiên thần nhỏ của bạn trở thành người bi quan chỉ vì không thể sắp xếp đến đón con sớm hơn một chút.