Do đó, cha mẹ cần chú ý tới cảm xúc của trẻ từ sớm và có sự giúp đỡ điều chỉnh, hướng dẫn trẻ quản lý cảm xúc của bé.
Nghiên cứu về giáo dục trẻ em cho thấy, những trải nghiệm cảm xúc trước 6 tuổi có một tác động lâu dài trong cuộc đời một người. Nếu trẻ không thể tập trung chú ý, tính cách của bé sẽ là tức giận, bi quan, cô đơn, âu lo, không hài lòng với bản thân..., ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách tương lai của bé. Hơn thế nữa, nếu những cảm xúc tiêu cực xảy ra thường xuyên và liên tục, chúng sẽ ảnh hưởng lâu dài tới nhân cách, sức khỏe và các mối quan hệ cá nhân của trẻ.
Do đó, cha mẹ cần chú ý tới cảm xúc của trẻ từ sớm và có sự giúp đỡ điều chỉnh, hướng dẫn trẻ quản lý cảm xúc của bé.
Vì sao lại sinh ra khái niệm khủng hoảng tuổi lên 2? Bởi vì đơn giản là trẻ nhỏ có rất nhiều cảm xúc nhưng lại chưa có kỹ năng điều chỉnh chúng, chúng bị "khủng hoảng" bởi vì chúng không có khả năng kiểm soát.
Trẻ lên 5 sẽ điều chỉnh cảm xúc của chúng tốt hơn trẻ nhỏ hơn, nhưng không có nghĩa là kỹ năng này sẽ "tự nhiên" mà có. Những đứa trẻ và cả người lớn đều cần rèn luyện theo các cách khác nhau để có được khả năng tự điều chỉnh cảm xúc. Điều này đòi hỏi cả quá trình và thời gian, đôi khi là học cả đời.
Self-regulation skill - kỹ năng tự điều chỉnh bao gồm kiểm soát não, kiểm soát cảm xúc, kiểm soát hành vi/vận động là kỹ năng quan trọng nhất bố mẹ cần phải dạy và hỗ trợ các em bé. Nhắc đến self-regulation skill thì theo chủ quan quan sát và những gì mình thấy trong 30 năm sống trên đời, người Việt mình là những người mà kỹ năng này vô cùng yếu.
Quay trở lại với chủ đề chính là làm sao để giúp con bình tĩnh lại khi con bị cảm xúc áp đảo dẫn tới cáu kỉnh, khóc lóc, la hét, thậm chí đập phá? Bố mẹ đừng dại mà quát nạt, mắng mỏ, chèn ép và coi thường những cảm xúc mà con có. Muốn giúp trẻ bình tĩnh, bố mẹ và người lớn chính là những người cần BÌNH TĨNH trước đã.
Có mấy cách mình thường áp dụng với con:
1. Con thử làm "happy face" mẹ xem nào! (Dạy con biết cảm xúc là có thể thay đổi)
Trẻ nhỏ thường nghĩ mọi thứ dường như là cố định, không thể thay đổi. Đó là lý do vì sao bạn có thể sẽ thấy em bé 2-3-4-5 khóc vì "Con phải làm cái này" hoặc "Bố mẹ không được làm cái kia" với những câu khẳng định chắc như đinh đóng cột.
Cảm xúc với chúng cũng được cảm nhận theo cách này. Chúng không nhận ra hoặc đôi khi không nhớ nổi rằng không có cảm xúc là như thế nào. Chúng cũng thường xuyên phải được nhắc nhở rằng chúng có thể kiểm soát cảm xúc của mình.
Hôm qua con trai mình cáu gắt vì một vấn đề gì đó (rất nhỏ, nhiều khi chỉ là không xé được tờ giấy thẳng hàng cũng cáu kỉnh) và mình sử dụng phương pháp này.
Đầu tiên, phải đặt tên cho cảm xúc của con. Mình nói "Sao hôm nay con có vẻ khó chịu cáu kỉnh. Con có nhớ bài hát happy face không, con thử làm mặt happy face mẹ xem nào?". Sau đó mình tự mô phỏng khuôn mặt tức giận và chuyển đổi sang mặt cười để con nhìn.
Tất nhiên là em bé lên 3 ngây ngô bị cuốn vào trò chơi đó một cách nhanh chóng. Nó làm con khuếch tán cảm xúc tiêu cực đang có để chuyển sang một trạng thái cảm xúc đỡ tiêu cực hơn (dù có thể chưa phải là cảm xúc thật) nhưng thật ra cũng đã có nghiên cứu cho thấy việc cười giả vờ thôi cũng đã khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc vui vẻ hơn và thậm chí là giảm bớt căng thẳng.
Sau đó, khi tâm trạng con đã khá hơn, mình nói "Con đã thấy bớt cáu kỉnh đi rồi đấy. Bây giờ mẹ sẽ dạy con xé tờ giấy này cho thẳng nhé".
2. Thổi nến!
Đôi khi cảm xúc thực sự khó kiểm soát khi mà con đang rơi vào cơn giận dữ và khóc lóc inh ỏi. Bạn có thể thấy con thực sự không thể bình tĩnh lại được.
Trong tình huống này, tốt nhất là nên giúp con hít thở. Nhưng sẽ rất khó và cả khó chịu nếu chúng ta nói "hít thở nào con". Hít thở thì tốt thật nhưng sẽ dễ dàng hơn khi không phải làm vào lúc này.
Khi trẻ thực sự khó chịu, bố mẹ cần có giúp con tưởng tượng ra một cái gì đó cụ thể hơn để con có thể thở. Và trong tình huống này là: thổi nến.
Bố mẹ có thể giơ 1 ngón tay lên và nói "Con thử thổi nến này đi". Mỗi lần con thổi, ngón tay lại cụp xuống. Và con bật cười. Hít thở giúp đảo ngược sự căng thẳng và cảm xúc quá lớn. Khi con đã bình tĩnh trở lại, bố mẹ mới quay trở lại để nhắc về những cảm xúc của con.
Bố mẹ cũng có thể thay thế thổi nến bằng thổi bong bóng, thổi hoa, thở như một con rồng, con khủng long .v.v
3. Vứt "quả bóng giận" đó đi! (Dạy con quản lý cơn cáu giận)
Giận dữ và thất vọng có thể là cảm xúc thật sự cần thiết và hữu ích, tất nhiên là với những hoàn cảnh và thời gian phù hợp. Cảm giác thất vọng có thể giúp trẻ tiếp tục công việc chúng đang làm cho tới khi nó hoàn thành và tăng sự quyết tâm. Nhưng quá nhiều thất vọng và sự giận dữ thì ngược lại.
Thông thường các em bé tức giận vì mục tiêu của chúng bị ngăn cản bởi một cách nào đó. Mảnh lego đó không thể ghép khít được, chiếc quần đó không thể cho chân vào được… không thể làm những gì muốn làm vì bố mẹ không cho phép (với lí do chính đáng) hoặc một số trở ngại khác…
Đầu tiên, hãy đặt tên cho cảm xúc "Con hình như đang rất cáu giận/thất vọng. Có phải vì con không...? Mẹ thấy hình như trong người con đang có một quả bóng giận to lắm. Giận quá. Con ném đó ra ngoài cho mẹ xem". Sau đó, mình mô phỏng việc ném một quả bóng tưởng tượng (như thật) cho con xem.
Hành động này giúp giải phóng chút giận dữ và thực tế là khi con ném mạnh trong khả năng, con sẽ cảm thấy tốt hơn. Hãy nói "Mẹ thấy hình như chưa đủ xa, con thử ném lại nhé. Hay là 2 mẹ con mình cùng ném?".
Trên đây là 3 cách đơn giản và phổ biến nhất mình thường làm để giúp con bình tĩnh và điều chỉnh cảm xúc. Nhưng đây là những cách mang tính chất "tạm thời", về lâu dài bố mẹ sẽ vẫn phải dạy và đồng hành cùng con để học về kỹ năng tự điều chỉnh.
Điều quan trọng, khi con bình tĩnh lại, hãy nói chuyện với con về những cảm xúc mà chúng thấy hoặc chúng có. Đặt tên cho cảm xúc và nói cho con hiểu vì sao con lại cảm thấy như vậy. Nói về những gì con có thể thử lần sau hoặc nói rằng con cần nói ra cảm xúc để mẹ hiểu hơn và giúp con nếu có thể.
Nhớ lại những cảm xúc không có gì xấu, chúng ta không thể loại bỏ cảm xúc, mà nên điều chỉnh chúng. Cảm xúc là một dạng năng lượng thô. Bố mẹ cần phải dạy con khai thác những năng lượng đó để bền bỉ hơn, kiên nhẫn hơn, có động lực hơn và đạt được mục tiêu của mình.
Còn bạn, bạn đang sử dụng cách nào để giúp con bình tĩnh?