Quyền lựa chọn cá nhân trong chuyện kết hôn, sinh con cần được tôn trọng. Nhưng, để đưa ra một lựa chọn thực sự phù hợp, người trẻ cần sự đồng hành, hỗ trợ như thế nào từ gia đình, nhà trường và xã hội?
- Mất mát hậu ly hôn: Học cách đối diện để chữa lành
- Nữ Trung úy Ngô Lâm Phương đoàn diễu binh khoe vẻ đẹp như nữ thần với trang phục ngày thường
Gia đình: Lắng nghe thay vì áp đặt
Cha mẹ cần lắng nghe con cái thay vì áp đặt
Điều đầu tiên mà gia đình, đặc biệt là cha mẹ cần thay đổi, chính là cách tiếp cận con cái. Theo TS xã hội học, Th.S Tâm lý Phạm Thị Thúy, trong nhiều trường hợp, áp lực từ gia đình chính là lý do khiến người trẻ phản ứng cực đoan, từ chối lập gia đình hoặc sinh con.
Bà nhấn mạnh: “Bố mẹ phải hiểu rằng con cái có quyền lựa chọn cuộc sống của mình. Bố mẹ càng gây áp lực, con càng phản kháng. Nhưng nếu bố mẹ chịu khó lắng nghe, thấu hiểu, và đồng hành, thì con sẽ có cơ sở để đưa ra lựa chọn đúng đắn”.
Thay vì can thiệp, cha mẹ hãy trở thành người đồng hành thật sự, bằng cách lắng nghe, chia sẻ và cùng con trao đổi thông tin một cách không phán xét.
Khi cảm thấy được thấu hiểu, người trẻ sẽ mở lòng. Và nếu đủ lòng tin, các bạn trẻ sẽ chủ động tìm đến cha mẹ để hỏi ý kiến khi cần thiết.
Quan trọng hơn hết, cha mẹ hãy giúp con tiếp cận các kiến thức thực tế: sinh sản, sức khỏe tâm lý, cách quản lý tài chính trong gia đình, kỹ năng giao tiếp trong hôn nhân…
Những điều này thiết thực hơn rất nhiều so với những lời khuyên sáo rỗng.
Nhà trường: Trang bị kỹ năng sống và tư duy phản biện
Không chỉ gia đình, nhà trường cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp người trẻ hình thành khả năng lựa chọn đúng. Giáo dục giới tính, giáo dục cảm xúc, kỹ năng xây dựng các mối quan hệ lành mạnh - tất cả cần được đưa vào giảng dạy một cách nghiêm túc, bài bản và bắt đầu từ sớm.
Theo chuyên gia Tâm lý Giang Kate: “Chúng ta vẫn đang có một khoảng trống trong giáo dục cảm xúc và tâm lý, cả ở nhà trường và trong gia đình.
Trẻ em được học rất nhiều kiến thức học thuật, nhưng lại thiếu nền tảng về cảm xúc và kỹ năng sống như là: điều hòa cảm xúc, lắng nghe, giải quyết mâu thuẫn, hay xây dựng mối quan hệ lành mạnh.
Tôi mong muốn Giáo dục tâm lý - đặc biệt là kỹ năng sống, điều hòa cảm xúc và giao tiếp tích cực - được đưa vào chương trình học chính thức, thay vì xem đó là môn phụ".
Ngoài ra, điều không thể thiếu là tư duy độc lập và tư duy phản biện. Người trẻ ngày nay sống trong một thế giới nhiều lựa chọn, nhiều quan điểm, nhiều luồng thông tin. Nếu có tư duy độc lập, tư duy phản biện, họ sẽ biết chọn lọc điều phù hợp với bản thân thay vì chạy theo số đông.
TS Phạm Thị Thúy nhấn mạnh: “Nếu người trẻ không có tư duy độc lập thì các bạn sẽ học từ bạn bè, từ người khác. Bạn bè không kết hôn, thích đi chơi thì mình cũng đi chơi luôn.
Khi người trẻ có tư duy độc lập và phản biện thì họ sẽ quyết định dựa trên nhận thức và mong muốn của chính họ, chứ không phải là chạy theo ai cả. Cái này rất quan trọng, liên quan đến giáo dục từ cả nhà trường và gia đình.”
Truyền thông: Cần thông tin khách quan, đa chiều
Truyền thông, bao gồm cả báo chí, mạng xã hội, phim ảnh và các nền tảng nội dung khác, có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của giới trẻ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, phần lớn nội dung truyền thông hiện nay vẫn đang duy trì một hình ảnh khá khuôn mẫu khi nói về phụ nữ.
“Mình nên đa dạng hóa cả đàn ông và phụ nữ trong các vai trò khác nhau, thì mới cho thấy một xã hội tôn trọng sự đa dạng. Tại sao cứ phải lấy vợ, lấy chồng mới là tốt? Tại sao cứ phải sinh con mới là đúng? Cần phải chấp nhận đa dạng giá trị. Vì đó là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại” - Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nêu quan điểm.
Trong các hình ảnh truyền thông đa dạng đó, người trẻ sẽ chọn hình ảnh phù hợp với mình, chứ không phải là bị ép buộc.
Việc này không có nghĩa là cổ súy cho lối sống độc thân hay chống đối hôn nhân. Mà là trao cho người trẻ thông tin đầy đủ giúp họ có cái nhìn đúng đắn, để họ có thể đưa ra lựa chọn mang lại hạnh phúc cho mình, chứ không phải lựa chọn “được chấp nhận” bởi số đông.
Bà Phạm Thị Thúy nhấn mạnh: “Cung cấp thông tin khoa học, đầy đủ, thông tin đa chiều.
Để trẻ biết rằng, ví dụ kết hôn muộn thì hậu quả là gì, mặt được, mặt không được là gì. Sinh con muộn thì có những điều gì được, điều gì không được.
Tức là cho trẻ thông tin khoa học để lựa chọn. Chứ không phải là cứ áp một chuẩn mực rồi bắt người ta theo – là tụi nhỏ không theo đâu”.
Sự đồng hành, đôi khi, là biết lùi lại để trao cho người trẻ quyền tự do và không gian an toàn để lựa chọn.
Và khi nói đến “hỗ trợ” hay “đồng hành”, đó không chỉ là sự hiện diện, mà còn là thấu hiểu, kiên nhẫn và cả tâm huyết từ những người đi trước.