Cách dạy trẻ kiểm soát cơn giận dữ để ngăn chặn loạt hậu quả tiêu cực khó lường

Bài học làm mẹ 15/12/2017 04:04

Giận dữ nhiều có thể ảnh hưởng lớn đến tính cách của con khi lớn lên. Vì vậy việc dạy cho trẻ tiết chế cảm xúc là điều cần thiết mà bố mẹ nào cũng nên làm.

Ngay từ khi còn bé, trẻ em đã được cha mẹ dạy rằng không nên tức giận hay buồn bã, thậm chí việc thể hiện thái độ tức giận còn bị cấm. Thế nhưng, theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association – APA) cho rằng giận dữ là một phản ứng hết sức tự nhiên của tâm lý con người, chúng ta hoàn toàn không thể ngăn cản hay cấm túc việc ai đó có được tức giận hay không.

Việc ngăn cấm này có thể gây hại rất lớn đến sự phát triển tâm lý cũng như sức khỏe của họ, nhất là trẻ em. Khi phải kìm nén sự tức giận, cơ thể sẽ bị tổn hại về hệ thần kinh, dẫn đến những vấn đề xấu cho sức khỏe như huyết áp cao, về lâu về dài có thể dẫn đến trầm cảm, lo lắng, mất ngủ, thậm chí là ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

 

Cách dạy trẻ kiểm soát cơn giận dữ để ngăn chặn loạt hậu quả tiêu cực khó lường - Ảnh 1
Khi phải kìm nén sự tức giận, cơ thể sẽ bị tổn hại về hệ thần kinh, dẫn đến những vấn đề xấu cho sức khỏe (Ảnh minh họa).

Không thể ngăn cản việc bộc lộ sự tức giận, nhưng cũng không thể để mặc cho trẻ thể hiện cảm xúc của mình bởi khi tức giận có thể khiến con người ta bị hạn chế về suy nghĩ, thậm chí là sai lệch về hành động, từ đó dẫn đến những quyết định không đúng đắn và thậm chí là bạo lực.

Giải quyết vấn đề này, APA cho biết phụ huynh có thể hạn chế cảm xúc giận dữ ở con trẻ bằng cách dạy chúng biết cách “kiểm soát” cơn tức giận của mình, nhờ đó sẽ ngăn ngừa được những tác động tiêu cực trước khi mọi chuyện trở nên quá tệ.

Dưới đây là một số cách cha mẹ có thể áp dụng để giúp con kiểm soát cơn tức giận, điều chỉnh cảm xúc một cách tốt nhất.

1. Dạy con biết gọi tên cảm xúc

Ngay từ khi con mới chập chững biết đi và tập nói, bố mẹ hãy dạy con biết gọi tên những cảm xúc của mình. Có một từ để thể hiện cảm xúc là bước đầu tiên để đối phó với nó. Các trạng thái, cung bậc cảm xúc như phản đối, thất vọng, xấu hổ và tức giận thường biểu hiện tương tự nhau, nhưng mọi người phản ứng với chúng một cách khác nhau. Chẳng hạn, cảm xúc thất vọng thường nhận được sự đồng cảm, nhưng sự tức giận có thể gặp khiến người khác cảm thấy khó chịu.

Bằng cách dạy con cách gọi tên những cảm xúc này, bạn có thể khuyến khích trẻ sử dụng từ ngữ để giúp con cảm thấy tốt hơn, con có thể nói ra cảm giác tức giận, nhưng không được hành xử hung hăng.

2. Dạy con biết đặt mình vào vị trí của người khác

Bố mẹ nên cùng con giải quyết những tình huống, dạy con biết đặt mình vào vị trí của người khác để tưởng tượng, để trải nghiệm suy nghĩ và tình cảm của họ. Khi đó, con mới nhận ra được cảm xúc của người khác và tránh được những cảm xúc tiêu cực.

3. Giúp con thư giãn

Hay nói cách khác là bố mẹ giúp con “làm dịu” đi cơn giận. Điều này tưởng chưng như đơn giản nhưng lại không hề dễ một chút nào, bởi ngay cả với người lớn việc tiết chế cảm xúc trong một số trường hợp cũng rất khó. Đối với trẻ nhỏ, việc nghĩ đến một bài hát hoặc câu chuyện yêu thích có thể làm dịu đi cảm xúc tức giận.

4. Là tấm gương để con học tập

Trẻ nhỏ thường bắt chước các hành động của người lớn. Nếu bạn hay tỏ ra tức giận dù với ai và vì nguyên nhân gì trước mặt con thì đó rất có thể con sẽ làm theo. Dần dần thái độ đó trở thành một phần tính cách của con. Vậy nên bố mẹ, người lớn đều phải biết kiểm soát cảm xúc tốt trước mặt con.

Cách dạy trẻ kiểm soát cơn giận dữ để ngăn chặn loạt hậu quả tiêu cực khó lường - Ảnh 2
Nếu bạn hay tỏ ra tức giận dù với ai và vì nguyên nhân gì trước mặt con thì đó rất có thể con sẽ làm theo (Ảnh minh họa).

5. Khuyến khích con tập thể dục

Tập thể dục có thể là một cách hiệu quả để giảm bớt những cảm xúc tiêu cực và tức giận, nóng nảy.

6. Đừng tiếc những cái ôm và lời khích lệ con

Việc tiếp xúc thể xác có thể giúp giải quyết tình huống khó khăn. Chẳng hạn, một cái ôm thật chặt có thể ngăn ngừa cảm giác ghen tị hoặc thất vọng dẫn tới sự tức giận. Một cái nắm tay nhẹ nhàng, ấm áp có thể giúp làm dịu đi cơn tức giận trong trẻ.

Hãy nhớ khen ngợi con không chỉ về kết quả con đạt được mà cả những nỗ lực của chúng và đừng trách mắng khi con mắc lỗi lầm. Bạn có thể chỉ ra cho con những điểm mạnh của chúng và những gì chúng đã đạt được, đồng thời có thể kể về những thất bại của chính bạn để giúp con thấy rằng con có thể thành công khi làm lại.

7. Giúp con kiềm chế mong muốn đạt được điều mình thích ngay lập tức

Thực tế, thứ đáng giá nhất trong cuộc sống đó là thứ mà chúng ta mong đợi hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hay thậm chí là hàng năm. Để đạt điểm cao trong một bài kiểm tra thì cần phải đổ công sức ôn luyện tới hàng tuần nhưng phần thưởng xứng đáng nhất không nằm ở điểm số, mà đó là cảm giác thành công và đạt được điều mình mong muốn.

Hãy giúp trẻ thấy điều này bằng cách lên thời gian biểu cho trẻ để chúng thấy được những tiến bộ, thay đổi theo thời gian. Sự trưởng thành của con trẻ không thể nhìn thấy được ngay tức khắc nhưng nó sẽ rất rõ ràng nếu được ghi lại bằng hình ảnh và được thảo luận hàng ngày.

5 cấp độ cảm xúc khi trẻ ăn vạ, bố mẹ nên can thiệp lúc nào mới đúng?

Theo chuyên gia Anh nguyễn, khi trẻ giận giữ, việc cha mẹ dỗ dành quá sớm sẽ khiến trẻ không học được cách chấp nhận và thay đổi trong cảm xúc.

TIN MỚI NHẤT