Căn nhà cùng tài sản trong tích tắc đã bị cơn lũ lịch sử cuốn trôi, gia đình anh Mạnh chẳng còn gì trong tay. Giữa lúc ấy, anh Mạnh lại xung phong đi cứu trợ người dân vùng lũ, những người có hoàn cảnh giống mình.
- Sự thật bên trong những ngôi nhà lầu, nhà giàu giữa rốn lũ Quảng Bình
- Đau lòng cảnh người mất 3 ngày vẫn chưa được an táng, quan tài treo lên tận nóc nhà vì lũ dâng cao
Những ngày này, người dân khắp cả nước đều đang hướng về miền Trung yêu thương sau trận lũ dữ. Trên cung đường Bắc - Nam những chiếc xe chở hàng, dán khẩu hiệu "hướng về miền Trung", "xe cứu trợ vùng lũ"... tấp nập ra vào.
Tất cả đều cố gắng chung sức để tiếng kêu cứu của người dân không trở nên vô vọng. Từ người xa lạ, trong và sau lũ nỗi khó khăn của người dân khiến biết bao người xích lại gần nhau hơn, sẻ chia, giúp đỡ người trong lúc khó khăn.
Nhiều người ở xa hàng nghìn cây số đã gác lại công việc, về tận nơi để cứu trợ, bất chấp nguy hiểm và mệt nhọc. Anh Nguyễn Văn Mạnh (41 tuổi, trú thôn Móc Thượng 1, xã Hồng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) cũng là một trong những người như vậy.
Là một trong những người chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ, nên gia đình anh hiện rất khó khăn. Lũ đi qua, ngôi nhà anh hiện giờ chỉ còn trơ lại mái ngói đỏ, bốn bức tường xung quanh bị sập sau trận nước dâng đêm 18/10. Tài sản hiện giờ của gia đình anh chỉ còn chiếc tivi đã ngấm nước dài ngày.
Từ hôm nhà đổ sập đến khi nước rút, gia đình anh ở nhờ nhà hàng xóm rồi cũng xin ăn nhờ cơm, sống nhờ vào người thân, bà con hàng xóm. Ai có cho gì thì ăn nấy, món ăn chủ yếu là mì tôm cứu trợ.
Trong lúc khó khăn này, anh Mạnh gác lại việc nhà, rồi chạy vào vùng lũ đi giúp những gia đình khác. Di chuyển khó khăn vì một bàn chân đã mất do tai nạn, anh Mạnh xung phong làm người dẫn đường rồi phụ giúp đoàn cứu trợ cho người dân suốt hai ngày nay.
Cùng trên chuyến xe cứu trợ, anh Phong (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết, bản thân và anh Mạnh tuy không quen biết nhưng việc cứu trợ khiến cả hai thành bạn đồng hành suốt mấy ngày qua.
"Mất nhà mất cửa, tài sản chẳng còn gì, nhiều người sẽ chọn cách buông xuôi nhưng anh Mạnh không làm vậy mà còn đi giúp đỡ những hoàn cảnh khác như mình. Không có gì nên khi đi cứu trợ anh làm người dẫn đường, vận chuyển hàng hóa nhẹ. Mùa lũ, với đôi chân không lành lặn, anh khiến chúng tôi rất khâm phục", anh Phong nói.
Những lần đi cứu trợ, hàng hóa rất nhiều nhưng chưa một lần anh Mạnh lấy đem về nhà. Hôm nay, nhìn thấy mấy bộ quần áo và đôi giày trẻ con, anh đã xin đoàn đem về cho hai đứa con. Chỉ có vậy nhưng ánh mắt của người bố hiện rõ niềm vui sướng.
"Tài sản, nhà cửa giờ không còn gì để thu dọn nữa, vợ và hai con tôi gửi nhờ bên người thân nên cũng yên tâm đi giúp người khác. Hoàn cảnh của mình giống họ nên đồng cảm, giờ ở nhà cũng chưa có gì để làm nên giúp họ được ngày nào hay ngày đó", anh Mạnh nói.
Căn nhà anh Mạnh ở trước tới nay là của bố mẹ để lại, thường ngày anh làm nông, thỉnh thoảng làm cơ khí phụ thêm. Vợ anh có con nhỏ nên ở nhà không làm được gì, kinh tế gia đình khá khó khăn.
Giờ đây, hoàn cảnh như anh chỉ còn biết trông chờ vào tấm lòng của mạnh thường quân, của chính quyền địa phương để bước tiếp chặng đường sắp tới.