Một phường ở Hà Nội yêu cầu người dân ký cam kết nếu từ chối tiêm chủng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh.
- Thông tin mới nhất về vụ '57 trẻ dưới 18 tuổi được tiêm vắc xin Pfizer' ở Cần Thơ: Danh sách là chính xác
- Xúc động cảnh 2 vợ chồng mắc Covid-19 ngồi trên giường bệnh, dựa lưng vào nhau để cùng tập từng nhịp thở
Thông tin từ Infonet/ Vietnamnet, mới đây, UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã yêu cầu người dân ký cam kết nếu từ chối tiêm chủng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh. Văn bản trên của phường Hoàng Liệt nêu: "Đối với những trường hợp trong độ tuổi nhưng từ chối tiêm chủng, yêu cầu người dân ký cam kết với UBND phường về việc không thực hiện tiêm chủng, nêu rõ lý do và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng".
Liên quan đến văn bản này, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia nhấn mạnh, ''tiêm vắc xin Covid-19 là quyền lợi của mỗi người và cũng là trách nhiệm với cộng đồng". Mỗi người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành việc tiêm chủng, để cộng đồng có miễn dịch, được bảo vệ an toàn.
"Người được tiêm chủng đầy đủ sẽ giảm nguy cơ lây bệnh, nếu không may lây nhiễm thì cũng tránh nguy cơ diễn biến nặng, tử vong. Vì vậy mỗi người dân đừng bỏ lỡ cơ hội bảo vệ mình", bà Hồng nói.
Trước đó, vào sáng 15/9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về lý do ký văn bản trên, ông Tạ Văn Hải - phó chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt - cho biết văn bản trên là để phường nắm được lý do tại sao người dân lại không tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
"Với văn bản trên, chúng tôi yêu cầu người dân ký và cam kết để muốn biết lý do tại sao người dân không đi tiêm vắc xin COVID-19", ông Hải nhấn mạnh.
Về việc "chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Hải lý giải: "Việc làm lây lan dịch bệnh thì ai cũng phải chịu trách nhiệm, chúng tôi quy định như vậy thì có vấn đề gì đâu".
Theo bà Đặng Thanh Huyền - phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định cơ quan chức năng có quyền yêu cầu bắt buộc người trong diện cần tiêm chủng đi tiêm chủng, đặc biệt ở vùng dịch. Tuy nhiên trong thực hiện, cơ quan chức năng chỉ khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe, chưa xử phạt người từ chối tiêm chủng.
Trao đổi thêm với Infonet dưới góc độ luật pháp, luật sư Trịnh Thị Việt Kiều (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19 như hiện nay là “Quyền lợi của người dân, người dân Được tiêm”.
“Trong tình huống nếu thuộc diện được tiêm mà từ chối tiêm thì khi làm phát tán, lan truyền dịch bệnh thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm theo pháp luật hiện hành. Việc ký cam kết hay không đều không làm ảnh hưởng đến việc phải chịu trách nhiệm”, luật sư cho biết.
Theo luật sư, hiện nay chưa có quy định bắt buộc toàn bộ người dân phải tiêm vắc xin Covid-19. Thực tế cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ yêu cầu người dân tại một số khu vực nhất định phải tiêm mà người đó từ chối, không chịu tiêm chủng thì mới bị xử phạt.