Vợ kể chuyện gia đình bên mộ chồng, mẹ già lặn lội hơn 50km lên thăm mộ con... những hình ảnh về tình cảm gia đình gây xúc động trong tết thanh minh.
- Vụ mẹ giết con để trục lợi bảo hiểm: Công an Quảng Nam mở rộng điều tra cái chết của người con út
- Vụ mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm: Cô ruột gửi đơn tố cáo khi phát hiện sự trùng hợp về cái chết của 2 anh em ruột
Ngày 5/4, bà Trần Thị Thuận (80 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) cùng các con, cháu vượt quãng đường hơn 50 km đến Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, TP Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình) tảo mộ. Không riêng gì bà Thuận mà ngày này rơi vào thời điểm cuối tuần nên rất đông gia đình lên đây lau dọn phần mộ, dâng hương tổ tiên, mộ phần.

Ngoài việc chuẩn bị mâm lễ cúng gồm hương, hoa quả, tiền, vàng, đồ chay, bánh kẹo, rượu... từ tối hôm trước, gia đình phải mang theo xe lăn để giúp bà Thuận di chuyển. Tết Thanh minh hôm nay, trời đổ mưa phùn, các cháu người bê xe, người che ô, sau khoảng 2 tiếng thì gia đình bà Thuận có mặt tại phần mộ gia tiên.
Các thành viên chung tay mỗi người một việc. Sau khi dọn dẹp phần mộ, mọi người bày mâm lễ cúng, thắp hương tưởng nhớ anh S., bà Thuận ngồi xe lăn từ đằng xa nhìn về phía bia mộ con trai. Đôi mắt rưng rưng, bà Thuận không khỏi xúc động. Sau trận ốm vào giữa năm 2023, anh S., người con trai thứ 2 của bà đột ngột qua đời.
Anh S. mất khi tuổi còn trẻ, nhiều di nguyện chưa thể thực hiện với gia đình nên 2 năm qua dù đi lại khó khăn, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng bà luôn có mặt tại phần mộ con vào những dịp lễ, tết để thăm, kể cho con nghe những câu chuyện của gia đình.
Trước đó, bà Thuận thường xuyên đau ốm nhưng đến ngày thanh minh bà thấy mình khoẻ hơn. Nghĩ đó là tình mẫu tử thôi thúc nên dù sáng trời mưa, con cháu khuyên ở nhà nhưng bà vẫn muốn đi cùng. Đến phần mộ của con, bà vô cùng xúc động.
Bà Thuận tiết lộ, trước khi mất, anh S. trăn trối chưa thể báo hiếu, đền đáp cha mẹ già, chưa thể hoàn thành nghĩa vụ của người cha với các con. Vì vậy, mỗi lần đến phần mộ con, bà hay kể về việc làm ăn, học tập của các thành viên trong gia đình để con ở nơi chín suối được an lòng. Bà cũng hy vọng sau này sẽ là tấm gương để nhắc nhở các con, các cháu mãi nhớ về cội nguồn.
Chị Đỗ Thị Vân (46 tuổi, con dâu bà Thuận) cho biết, không chỉ ngày tết Thanh minh và dịp cuối năm, các ngày như lễ kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật, chị lại cùng các con đến thăm mộ chồng mình.
“Trước khi mất, anh vẫn cố gắng giữ tinh thần lạc quan. Hai vợ chồng tôi có thời gian ngồi lại trò chuyện, tâm sự với nhau. Anh bảo, bệnh tật thì không ai tránh khỏi, anh chỉ mong vợ và các con luôn khỏe mạnh. Điều anh day dứt nhất là đứa út còn nhỏ, hai đứa lớn đã trưởng thành nhưng chưa lập gia đình, một mình tôi phải gồng gánh nuôi ba đứa con, anh thương vợ vô cùng. Trước phần mộ chồng trong ngày thanh minh, tôi hứa sẽ cố gắng hết sức để thực hiện những điều mà anh chưa làm được”, chị Vân xúc động.
Ngày tưởng nhớ người thân đã mất
Ngoài gia đình bà Thuận, hàng trăm người dân, trong đó có cả trẻ em cũng ra phần mộ của người thân, dòng họ để quét dọn, sửa sang và bày mâm cúng để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tổ tiên trong ngày thanh minh.

Người dân quan niệm, dù ngày chính tết Thanh minh năm nay đã diễn ra vào 4/4 nhưng do tiết thanh minh kéo dài từ 4 – 19/4 nên để con cháu, các thành viên trong gia đình có dịp sum họp, họ thường chọn vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật để tảo mộ.
Bà Mộng Điệp (85 tuổi, trú tại Thượng Đình, Thanh Xuân Hà Nội) lặn lội hơn 60km lên thăm phần mộ người chồng đã mất cách đây 5 năm.
Ngắm nhìn bức ảnh người chồng trên tấm bia mộ, bà Điệp còn nhớ, lúc chồng mất, bà Điệp cũng vì thế bệnh nền càng nặng hơn.
"Người tôi khi ấy gầy sọp đi, chỉ còn 35kg. Các con phải động viên suốt, bảo tôi phải giữ sức khỏe để còn lên đây thăm ông ấy. Nhờ những lời ấy mà tôi mới gượng dậy được, dần lấy lại sứ khỏe để tự mình lên đây thăm ông.
Ngày lễ, tết tôi đều tranh thủ lên với ông ấy. Mặc dù phải chống gậy mới có thể di chuyển. Thế nhưng tôi luôn tâm niệm, đầu năm đi tảo mộ cho người đã khuất trong tiết Thanh minh cũng giống như tục lệ đi thăm và chúc tết họ hàng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán", bà Điệp cho hay.

Bà Điệp kể khi năm đầu tiên chồng bà mất, dịch COVID-19 ập đến khiến bà và các con cháu không thể lên trực tiếp thăm chồng. Bà đành “gửi lễ” online để ban quản lý lo liệu giúp. Các nghi thức cúng lễ, đốt vàng mã rất chỉn chu, tươm tất. Toàn bộ quá trình đó đều được ghi lại và gửi về cho gia đình cùng theo dõi.
Cùng các con cháu lên tảo mộ cha mẹ, ông Lê Huy Hiển (79 tuổi, phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, bất kể dịp lễ, tết nào ông cũng lên thắp hương cho ông bà. Đây cũng là tục lệ rất quý mà ông muốn con cháu noi theo.
“Tôi luôn dăn dạy con cháu sống phải có đạo đức, nhớ ơn ông bà tổ tiên. Trong nhà con cháu tôi đều làm việc viên chức nhà nước nên luôn mong các con chấp hành mọi công việc cơ quan giao phó, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội”, ông Hiển bày tỏ.
Còn bà Nguyễn Thu Hiền (74 tuổi, ở đường Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vốn là giáo viên đã về hưu chia sẻ, trong truyền thống luôn giáo dục con cháu hướng về cội nguồn. Sáng ngày 5/4, bà cùng các con, cháu nội ngoại đến thắp hương cho tổ tiên.
“Nay tôi đến đây với tâm lý rất vui khi gặp nhiều gia đình, nhiều người đến thắp hương cho mộ chí. Đây là nét đẹp truyền thống tại Việt Nam. Chúng ta phải hướng con cháu luôn nhớ về cội nguồn, biết ơn cha mẹ tổ tiên, những người đã sinh thành nuôi dưỡng các cháu”, bà Hiền bày tỏ
Về truyền thống ngày Tết thanh minh, Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, chia sẻ, tiết thanh minh không chỉ diễn ra trong một ngày mà diễn ra trong 15 ngày. Đây là dịp các thế hệ đều mong muốn được quây quần bên nhau, qua đó nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Theo đại đức Thích Trí Thịnh, đi tảo mộ ngày tiết thanh minh, các gia đình cần sắm sửa lễ vật chu đáo, nhưng quan trọng hơn cả là thành tâm. Có thể dâng lễ chay hoặc lễ mặn tùy từng gia đình.
Các lễ vật gồm có: hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng. Lễ chay gồm: xôi, chè, oản, chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối. Tùy theo phong tục địa phương mà có điều chỉnh phù hợp, nhưng nhà chùa khuyên người dân tránh dâng cúng những đồ sát sinh trong ngày thanh minh.