Sinh viên Nguyễn Văn Nhã là người đã quên mình cứu 3 bạn bị đuối nước tại bãi biển Phú Vang, Thừa Thiên Huế trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Nhã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xem xét công nhận là liệt sĩ.
- Gia cảnh đáng thương của nam sinh viên tử vong khi cứu 4 người: Cha bị tai biến, mẹ bệnh tật triền miên, anh trai cũng mất do đuối nước
- Cập nhật 2/5: Hàng loạt trường ĐH cho sinh viên học online đến khi có thông báo mới
Câu chuyện sinh viên Nguyễn Văn Nhã (23 tuổi), thấy ba bạn nữ bị đuối nước khi tắm biển ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, đã lao ra ứng cứu và tử nạn khiến nhiều người khâm phục. Sau khi đưa được ba bạn nữ thoát khỏi vùng nước sâu, Nhã đuối sức rồi chìm dần. Khoảng 30 phút sau, thi thể nam sinh được tìm thấy. Mới đây Chủ tịch nước đã có đề nghị công nhận liệt sĩ đối với sinh viên dũng cảm này.
Pháp luật Việt Nam quy định về việc phong tăng liệt sĩ thường được xem xét với các trường hợp hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân. Tuy nhiên ở thời bình, khi chiến tranh đã lùi xa, nhiều ý kiến cho rằng việc cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân. Chính vì thế vẫn có nhiều trường hợp các "anh hùng" xả thân cứu người thoát khỏi nguy hiểm cận kề vẫn được xem xét đề nghị công nhận là liệt sĩ.
Năm 2020, Bộ Lao động Thương binh Xã hội khi đề xuất sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có đưa ra ý kiến: “Sửa đổi dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Những trường hợp khác hướng chuyển sang khen thưởng theo pháp luật thi đua khen thưởng (Huy chương, Huân chương) và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội”.
Cũng theo Pháp lệnh 26/2005/PL-UBTVQH11 thì một trong các trường hợp được công nhân liệt sĩ là: “Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh, dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”.
Pháp lệnh sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 cũng nêu rõ: “Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội”. Căn cứ các điều kiện trên, sinh viên Nguyễn Văn Nhã xứng đáng được công nhận là liệt sĩ.
Trước đó, vào năm 2019, cũng đã có trường hợp tương tự được phong là liệt sĩ. Đó là Hoàng Đức Hải- sinh năm 1996 quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá là sinh viên năm thứ tư khoa Điện, trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Tháng 2/2018, nam sinh Hoàng Đức Hải đã không ngại nguy hiểm lao ra cứu được mẹ con bị đuối nước, vào bờ an toàn. Sau đó, Hải kiệt sức do lạnh cóng nên bị nước cuốn, tử nạn. Ngày 17/7/2019, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Hoàng Đức Hải là liệt sĩ.