Nữ công nhân bị một đối tượng tự xưng là nhân viên của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam dụ dỗ, lừa chuyển 5,9 triệu đồng để lấy lại mật khẩu ứng dụng VssID.
- Danh tính đối tượng hiếp dâm cụ bà liệt giường dẫn đến tử vong ở Đồng Tháp
- Hiện trường vụ cháy chợ biên giới Ea Súp, hàng trăm ki ốt bị thiêu rụi khiến nhiều tiểu thương bật khóc
BHXH Việt Nam vừa phát đi cảnh báo về việc một số đối tượng giả danh là người của cơ quan này để hỗ trợ, cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động.
Theo đó, chị Đào Thị N. là công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam mới đây đã phản ánh tới BHXH Việt Nam về việc bị đối tượng tự xưng là “nhân viên BHXH”, lừa đảo chuyển tiền để được cấp lại mật khẩu VssID (app cài đặt trên điện thoại thông minh để tra cứu chế độ đóng hưởng BHXH).
Chị N. cho biết, do không nhớ mật khẩu của ứng dụng VssID, chị đã lên mạng xã hội Facebook để tìm hiểu phương thức lấy lại mật khẩu. Chị tiếp xúc với một Facebooker có tên “Trần Lệ Giang” qua ứng dụng Messenger và được người này giới thiệu là “nhân viên tiếp nhận hồ sơ của BHXH Việt Nam”.
Người này tư vấn cho chị N. rằng, chỉ có Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam mới cấp lại được mật khẩu VssID. Nếu muốn lấy lại mật khẩu, phải đặt tiền cọc, số tiền này sẽ được chuyển trả cho chị N. sau nhận được mật khẩu.
Để tạo lòng tin, đối tượng đề nghị chị N. “lên hồ sơ” qua Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, gồm: CMND hoặc căn cước công dân 2 mặt, mã sổ BHXH, thông tin cần thay đổi, địa chỉ tạm trú, số điện thoại cấp mật khẩu VssID, số tài khoản lãnh lại tiền cọc.
Đối tượng này đã yêu cầu chị N. chuyển khoản 900 nghìn đồng để đảm bảo đây là mã số sổ và số điện thoại của chị. Đối tượng nhắn tin: “Việc này nhằm tránh trường hợp mượn hồ sơ rò rỉ thông tin và giả mạo hồ sơ. Sau khi xác minh hồ sơ chính chủ, sẽ cấp mật khẩu về máy sau 5 phút và hoàn tiền cọc theo quy định”.
Đối tượng đã gửi cho chị N. hình ảnh tờ khai hồ sơ xin cấp mật khẩu VssID có đóng dấu đỏ, chữ ký xác nhận đã tiếp nhận tờ khai của người có tên “Nguyễn Vinh Quang, Trưởng phòng Hồ sơ, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam”, đồng thời yêu cầu chị N. kiểm tra lại thông tin.
Sau khi kiểm tra tờ khai hồ sơ, chị N. đã chuyển 900 nghìn đồng vào tài khoản “PHAM THI TRINH NGUYEN” (STK: 105001513701- Ngân hàng Đại Chúng). Sau đó, đối tượng tiếp tục nhắn tin, gọi điện cho chị N. qua ứng dụng Messenger thông báo nội dung chuyển tiền ghi: “tiền cọc phí cấp lại MK VssID” là không đúng, mà phải ghi là: “DAO THI NG. so dien thoai 098461xxxx” và sẽ bị phạt 10 triệu đồng.
Không đủ tiền trong tài khoản, chị N. đã chuyển tiếp vào số tài khoản này 5 triệu đồng và sửa lại nội dung chuyển tiền đúng theo yêu cầu. Đối tượng này lại thông báo với chị rằng, để nhận lại số tiền đặt cọc, chị phải chuyển thêm số tiền 11,8 triệu đồng để lập tài khoản điện tử chuyển lại tiền. Do không còn tiền chuyển khoản, chị N. đã hỏi người quen thì mới được biết mình bị lừa.
Thấy chị N. không chuyển thêm tiền, đối tượng còn tiếp tục gọi điện rằng, số tiền 5,9 triệu đồng đã đóng chưa được khai báo thuế và cơ quan thuế phát hiện chị là người trốn thuế. Đối tượng còn dọa: “Mức án phạt nhẹ nhất cho trốn thuế là tạm giam 6 tháng hoặc phạt bồi thường là 550 triệu đồng. Thanh tra sẽ đến làm việc và yêu cầu chị phải đến cơ quan BHXH Việt Nam tại số 7 Tràng Thi để làm việc”.
Biết rõ là mình bị lừa, chị N. đã liên hệ cơ quan BHXH thì được Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng của BHXH Việt Nam hỗ trợ lấy lại mật khẩu ứng dụng VssID mà không phải trả bất kỳ một khoản phí nào.
BHXH Việt Nam thông tin, không riêng chị N. mà hiện nay còn nhiều người khác phản ánh qua tổng đài 1900.9068 của BHXH Việt Nam về tình trạng có một số đối tượng yêu cầu chuyển tiền phí cấp lại mật khẩu VssID.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam khẳng định, tất cả các dịch vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục BHXH, BHYT đều không phải trả phí. Bất kỳ đối tượng nào yêu cầu người dân trả phí dịch vụ đều là hành vi lừa đảo.