Chuyên gia tội phạm học chỉ ra "vaccine" chống lại đòn tấn công của tội phạm lừa đảo trực tuyến

Xã hội 12/01/2023 13:20

Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu cho rằng, khi người sử dụng mạng xã hội nắm được các kỹ năng cần thiết để sử dụng mạng xã hội an toàn thì đó chính là vaccine, là bức tường lửa bảo vệ túi tiền của họ trước đòn tấn công của tội phạm.

Mối nguy như tội phạm khủng bố

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng Internet diễn ra hết sức nhức nhối, gây hậu quả lớn trong đời sống dân sinh, với 3 nhóm hành vi lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 chiêu trò khác nhau.

"Có thể thấy tình hình trong khi việc điều tra khám phá tội phạm gặp rất nhiều khó khăn, kết quả phá án còn nhiều hạn chế. Trong kỷ nguyên bùng nổ về khoa học công nghệ thì tội phạm sử dụng công nghệ cao đã trở thành một nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn của nhân loại tương đương với vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và tội phạm khủng bố", Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định.

Hiện nay ở Việt Nam có hơn 72 triệu tài khoản mạng xã hội cùng hơn 100 triệu thuê bao điện thoại đi động… Số lượng người dùng lớn đã khiến môi trường mạng Internet, mạng viễn thông trở thành mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Chuyên gia tội phạm học chỉ ra "vaccine" chống lại đòn tấn công của tội phạm lừa đảo trực tuyến - Ảnh 1.

Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an

Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, kết quả điều tra nhiều vụ phạm tội cho thấy nhiều cuộc tấn công lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện từ nước ngoài. Cụ thể là nhiều băng nhóm tội phạm người nước ngoài, đặt trụ sở hoạt động tại các casino, công ty ở các nước giáp biên giới Việt Nam.

Bằng chiêu bài tuyển dụng lao động "việc nhẹ lương cao", chúng đã lừa được nhiều người Việt đưa qua biên giới rồi tổ chức giam lỏng họ trong khuôn viên các công ty, sòng bài biệt lập với bên ngoài. Tại đây các lao động bị khống chế, ép buộc phải thực hiện các vụ tấn công lừa đảo vào Việt Nam thông qua mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng Internet.

Bên cạnh đó, ở trong nước cũng có nhiều băng, ổ nhóm tội phạm công nghệ cao sử dụng mạng internet hoặc mạng viễn thông, mạng xã hội để tấn công, lừa đảo người dân.

"Trên mạng Internet từ lâu đã tồn tại những chiêu trò lừa đảo khai thác triệt để sự thiếu hiểu biết, lòng tham, tính hám lợi của nạn nhân vào việc thực hiện tội phạm. Thông qua các công cụ mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram, Viber… đối tượng bắt quen, kết bạn với nạn nhân. Tiếp theo, chúng tạo ra các tình huống dựa trên sự chủ quan, thiếu hiểu biết hay lòng tham của nạn nhân để từng bước đưa họ vào cạm bẫy và cuối cùng là chiếm đoạt tiền của họ.

Các hình thức lừa đảo phổ biến là thông báo trúng thưởng, gửi quà tặng (về bản chất là trò lừa chiếm đoạt thủ tục trả trước); hack tài khoản rồi giả mạo chủ nick lừa đảo chiếm đoạt tiền trong list friend", Thượng tá Đào Trung Hiếu cho hay.

Bên cạnh đó, trên mạng viễn thông, trò lừa giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, các cơ quan bảo vệ pháp luật gọi điện rung dọa người dân, dùng thủ đoạn để ép người dân phải chuyển tiền…vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

"Chắc nó chừa mình ra "

Có thể thấy, loại tội phạm lừa đảo trực tuyến không mới, xảy ra nhiều năm nhưng danh sách các nạn nhân vẫn tiếp tục nối dài. Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, nạn nhân luôn có vai trò quan trọng trong cơ chế hành vi phạm tội, thể hiện trong cả 3 khâu làm phát sinh ý định phạm tội; kế hoạch hóa việc thực hiện tội phạm và thực hiện tội phạm trên thực tế.

"Qua thực tiễn công tác điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, chúng tôi thấy nạn nhân thường có "lỗi" như chủ quan, thiếu hiểu biết, thiếu ý thức cảnh giác. Mặc dù chỉ cần lên mạng xem tình hình thời sự an ninh, đọc các khuyến cáo cảnh báo của cơ quan chức năng hay chuyên gia… là người dân đã có thể tránh được việc trở thành con mồi của tội phạm, nhưng nhiều người rất thờ ơ với an nguy của mình.

Tôi có cảm giác là nhiều người nghĩ tội phạm là thứ xảy ra ở đâu đó, với ai đó chứ không phải đối với mình. Nói theo chữ của Nhà văn Nam Cao là "chắc nó chừa mình ra", Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.

Chuyên gia tội phạm học chỉ ra 'vaccine' chống lại đòn tấn công của tội phạm lừa đảo trực tuyến - Ảnh 2

Chuyên gia tội phạm học nhấn mạnh, trên thực tế, tội phạm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai, không có ngoại lệ. Nên chính sự thờ ơ, bất cẩn đó đã tạo điều kiện để tội phạm có cơ hội xảy ra.

Một nguyên nhân khác đó là rất nhiều người không có các kĩ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Cụ thể là họ rất dễ dãi chấp nhận kết bạn trên mạng xã hội, không có tư duy phản biện và dễ dàng làm theo những yêu cầu của người lạ trên mạng xã hội.

Các đối tượng thường dùng lợi nhuận để câu nhử, mồi bẫy, thu hút người dùng mạng xã hội bỏ tiền đầu tư vào các dự án, như kinh doanh ngoại hối, tiền ảo, sàn forex, Skyway….

Nhiều người do hám lợi và thiếu hiểu biết đã bị chúng dẫn dụ và sập bẫy. Họ chỉ nhìn thấy cơ hội mà không thấy được rủi ro, nguy cơ, cạm bẫy phía sau những lời đường mật…nên việc bị lừa là dễ hiểu.

Bên cạnh đó, có nhiều người vì không hiểu biết, về các quy trình quy tắc làm việc của cơ quan nhà nước mà bị lừa.

"Mọi người cần biết tất cả các cơ quan pháp luật không bao giờ gọi điện trao đổi với người dân về công việc, càng không có chuyện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản mang tên cá nhân hay tổ chức nào đó.

Khi cần làm việc, các cơ quan này sẽ có giấy mời, hay giấy triệu tập mời người dân đến trụ sở cơ quan làm việc. Việc nộp tiền phải ra kho bạc nhà nước, chứ không có chuyện bắt buộc phải chuyển tiền vào tài khoản cá nhân", Thượng tá Đào Trung Hiếu cho hay.

Về những khó khăn trong hoạt động phòng chống tội phạm công nghệ cao, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, hiện đang rất "vướng" ở khâu phối hợp giữa các thiết chế tài chính như ngân hàng với cơ quan chức năng.

Chẳng hạn, khi nạn nhân phát hiện bị lừa đảo, đề nghị cơ quan công an can thiệp khẩn cấp để chặn dòng tiền đã thực hiện lệnh chuyển đến tài khoản đối tượng cung cấp.

Khi tiếp nhận yêu cầu của Công an, phía ngân hàng với lý do bảo vệ quyền lợi khách hàng, yêu cầu phải có quyết định khởi tố vụ án và công văn kèm theo mới thực hiện yêu cầu.

"Lưu ý lúc này mới là tin báo tội phạm, sự việc chưa được khởi tố nên đòi hỏi như trên là không thể thực hiện được. Thế nên trong nhiều trường hợp, dù đã nhận được yêu cầu chặn dòng tiền nhưng tiền vẫn bị chuyển đi. Hầu như thiệt hại trong các vụ án này không thể khắc phục được", Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.

Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn là vaccine trước đòn tấn công của tội phạm

Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, các kĩ năng sử dụng mạng xã hội, mạng Internet an toàn là đặc biệt quan trọng. Người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật tình hình tội phạm và các vấn đề thời sự; nghiên cứu các cảnh báo từ cơ quan chức năng được gửi đến công chúng thông qua báo chí, truyền thông.

Khi thường xuyên cập nhật như vậy, người dân sẽ biết trước những thủ đoạn phạm tội để chủ động phòng tránh.

Hành vi phạm tội này đã diễn ra với người khác thì cũng có thể diễn ra với mình, do đó cần phải đọc để nắm được rõ những phương thức thủ đoạn cũng như làm theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.

"Hiện nay, tôi thấy việc Bộ Công an thông qua các nhà mạng gửi tin nhắn cảnh báo người dân về các phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng phạm tội là một việc làm rất hay trong việc phòng ngừa xã hội, giúp mọi người nâng cao cảnh giác để bảo vệ tài sản của mình.

Theo tôi, mỗi người khi tham gia vào mạng xã hội cần phải nâng cao hiểu biết của mình về tính hai mặt, những lợi ích cũng như rủi ro đến từ mạng xã hội để trở thành người sử dụng mạng xã hội an toàn", Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.

Chuyên gia tội phạm học chỉ ra 'vaccine' chống lại đòn tấn công của tội phạm lừa đảo trực tuyến - Ảnh 3

Bộ Công an liên tục gửi tin nhắn đến người dân để cảnh báo hành vi lừa đảo

Chuyên gia tội phạm học cũng khuyến cáo người dân nâng cao hiểu biết để phát hiện ra những mối quan hệ không an toàn, ẩn chứa nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của mình trên không gian mạng.

Mỗi người dân khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi, truy cập vào các đường link, đường dẫn vào các trang web thì phải hết sức cảnh giác. Vì đó có thể là trang giả mạo, khi mà truy cập vào thực hiện các lệnh liên quan đến tiền sẽ ẩn chứa các nguy cơ bị hack tài khoản, bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Bên cạnh đó, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu không được dễ dàng làm theo khuyến nghị của những người chưa rõ danh tính trên không gian mạng.

Khi truy cập vào một trang nào đó rất giống trang thật nhưng đòi hỏi mã OTP, mật khẩu thì phải hết sức cảnh giác, cần kiểm tra xem có bao nhiêu trang cùng giao diện, xem kỹ trên đường dẫn xem có ký tự nào lạ không. Hãy kể ngay với mọi người để nhận được lời khuyên của những người ngoài cuộc tỉnh táo.

Khi người sử dụng mạng xã hội nắm được các kỹ năng cần thiết để sử dụng mạng xã hội an toàn thì đó chính là vaccine, là bức tường lửa bảo vệ túi tiền của họ trước đòn tấn công của tội phạm.

Tình yêu đẹp của chàng lính đi nghĩa vụ, ngày ra quân cũng là lúc nên duyên vợ chồng

Mối tình gần 3 năm của Thảo và Chung được gia đình hai bên nhiệt tình tác thành. Sau khi Chung hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cả hai đã lập tức đi đăng ký kết hôn.

TIN MỚI NHẤT