Vào ngày 26/4, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM tiếp tục gia hạn tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng thêm 10 ngày (đến ngày 5/5) để thực hiện tiếp các quy trình tố tụng theo quy định của pháp luật.
- Lý do anh trai của bà Nguyễn Phương Hằng viết đơn xin tại ngoại: Sụt cân nhiều, mắc một số bệnh phải điều trị thường xuyên
- Nguyên nhân bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam
Trước đó, theo thông tin từ báo Dân Trí, Công an TPHCM đã chuyển toàn bộ kết luận và hồ sơ vụ án sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Viện trưởng VKSND TPHCM đã ra lệnh tạm giam 19 ngày đối với bà Phương Hằng kể từ ngày 7/4 đến ngày 25/4 để hoàn tất thủ tục truy tố. Sau đó, bà Hằng tiếp tục bị tạm giam thêm 10 ngày nữa, đến ngày 5/5.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố và bị tạm giam từ ngày 24/3/2022 đến nay.
Liên quan đến động thái tố tụng này, nhiều bạn đọc thắc mắc là tại sao lại gia hạn tạm giam bà Hằng 10 ngày. Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, một nguyên phó Chánh tòa Hình sự TAND cấp tỉnh cho biết hiện nay vụ án đang ở trong giai đoạn truy tố và VKS sẽ thực hiện quyền của mình theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự (truy tố; hoặc trả hộ sơ điều tra bổ sung hoặc đình chỉ/tạm đình chỉ vụ án/bị can).
Cụ thể, trong vụ này bà Nguyễn Phương Hằng bị Cơ quan điều tra đề nghị truy tố theo khoản 2, Điều 331 BLHS với khung hình phạt 2-7 năm tù (tội phạm nghiêm trọng).
Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trong thời hạn 20 ngày (đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng) kể từ ngày nhận được hồ sơ và kết luận điều tra thì VKS phải đưa ra một trong các quyết định như: Truy tố các bị can ra tòa án hoặc trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung…
Trường hợp gia hạn thì thời gian gia hạn không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Như vậy, kể từ khi nhận được hồ sơ và kết luận điều tra vụ án đến nay (quá 20 ngày) VKS chưa đưa ra các quyết định trong giai đoạn truy tố nên cơ quan này gia hạn là cần thiết.
Về phía bị can Hằng, hiện bị can này đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam nên trong giai đoạn truy tố việc gia hạn tạm giam đối với bị can này thêm 10 ngày là phù hợp với quy định tại Điều 241 Bộ luật Tố tụng hình sự (thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn không được quá các khoảng thời gian như đã nêu ở trên). Như vậy, trong vụ án của bà Hằng, căn cứ kết luận điều tra có thể thấy, sau khi hết thời hạn tạm giam trên, VKS sẽ ban hành cáo trạng để truy tố các bị can ra tòa và tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền đưa ra các quyết định tố tụng tiếp theo.
Lúc này tòa án sẽ nghiên cứu hồ sơ vụ án, đánh giá tính chất vụ việc, mức độ nguy hiểm của từng bị can để ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn (bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú...) hoặc tiếp tục ra quyết định/lệnh tạm giam đối với bà Hằng và các bị cáo khác trong vụ án.
Ngoài ra, Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết theo quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự thì VKS chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung hai lần. Trong khi đó, tính đến nay VKS đã trả hồ sơ ba lần vào tháng 9-2022, tháng 11-2022 (sau khi nhập hồ sơ vụ án từ Công an tỉnh Bình Dương chuyển về) và mới đây nhất là tháng 2-2023 (trả hồ sơ để làm rõ vai trò của ông Đặng Anh Quân).
Như vậy, theo quy định trên, sắp tới đây VKS sẽ phải ban hành cáo trạng truy tố vì đã hết quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trường hợp trong giai đoạn xét xử, nếu xét thấy cần làm rõ những vấn đề trong vụ án hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì chủ toạ phiên toà hoặc hội đồng xét xử vẫn có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
LS Bình cũng cho biết, xuyên suốt vụ án này từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn truy tố, con trai bà Hằng đã nhiều lần đề nghị bảo lĩnh để cho mẹ được tại ngoại nhưng Cơ quan điều tra và VKSND TP.HCM không giải quyết yêu cầu này vì xét tính chất và sức ảnh hưởng của bà Hằng đối với dư luận xã hội là rất lớn. Do đó, đến giai đoạn xét xử khả năng bà Hằng được thay đổi, huỷ bỏ biện pháp tạm giam là khó xảy ra.