Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, nhất là ở cơ sở giáo dục. Bộ Y tế khuyến cáo trẻ nhiễm bệnh phải cách ly 10 ngày.
- Cảnh báo dịch tay chân miệng lan rộng ở TP.HCM: Các ca bệnh hầu hết đều dưới 6 tuổi
- Xuất hiện tác nhân Enterovirus 71 gây dịch tay chân miệng, Sở GD-ĐT TP.HCM ra văn bản khẩn
Theo thống kê, trong tuần 33/2023 cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc tay chân miệng, không có ca tử vong. So với tuần trước, số ca mắc giảm 12,4%. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52,3%, số ca tử vong tăng 15 trường hợp.
Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng, dễ gây các biến chứng, thậm chí tử vong.
Cục Y tế Dự phòng cho biết hiện là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học, đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường.
Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo 6 việc người dân cần làm để phòng tránh bệnh, cụ thể:
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
- Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi phát, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác, đưa ngay bé đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
ThS. Đỗ Thị Thúy Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Khi trẻ điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của con, tránh biến chứng.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng là sốt cao không đáp ứng với điều trị. Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ, uống thuốc vẫn không hạ sốt. Trẻ có thể giật mình - dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài, ngủ khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc sau đó lại ngủ tiếp. Một số dấu hiệu khác như khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng... cũng cảnh báo bệnh trở nặng.