Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM gửi UBND TP.HCM về hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn TP, tính từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 7/2023, TP.HCM có 13.173 ca mắc tay chân miệng (TCM).
- Nhập viện trong tình trạng tai phải đau đớn, chảy máu và có dịch, người đàn ông tá hỏa phát hiện thứ 'làm ổ' bên trong
- Tự ý đắp thuốc chữa bỏng không rõ nguồn gốc, người đàn ông nhập viện khẩn với bàn tay nhiễm trùng, chảy nhiều dịch vàng
Dẫn tin từ báo Pháp luật TP.HCM, các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị 477 ca tay chân miệng, trong đó có 476 ca mắc tay chân miệng dưới 6 tuổi (chiếm 99,7%). Có 36 ca tay chân miệng nặng đang điều trị tại BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng TP và BV Bệnh nhiệt đới.
Riêng ngày 28/7, qua hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát hiện 288 ca mắc tay chân miệng (trong đó đã bổ sung 22 ca mắc mới từ các ngày trước).
Cũng từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 9.790 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong. Hiện các BV trên địa bàn TP.HCM điều trị 158 ca sốt xuất huyết (106 ca tại TP.HCM), trong đó 69 ca người lớn, 89 ca trẻ em. Đáng chú ý, có đến 13 ca sốt xuất huyết nặng, 8 ca đang thở máy xâm lấn, 2 ca đang được lọc máu đang điều trị tại BV Nhi đồng TP và BV Bệnh nhiệt đới.
Riêng ngày 28/7, qua hệ thống giám sát của HCDC phát hiện 22 ca mắc sốt xuất huyết (trong đó đã bổ sung 6 ca mắc mới từ các ngày trước).
Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết gia tăng, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP và khu vực, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin cho người dân biết về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch đảm bảo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng,…
Dẫn tin từ Sức khoẻ Đời sống, các dấu hiệu bệnh tay chân miệng gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, nhiều khi cha mẹ phải rất tinh ý mới phát hiện kịp thời.
Theo BSCKI. Hoàng Tiến Thành - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Thái Bình, bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nhận biết khác nhau tùy vào từng giai đoạn.
Cụ thể như:
- Giai đoạn ủ bệnh 3 – 6 ngày.
- Giai đoạn khởi phát bắt đầu với các triệu chứng dễ nhận thấy gồm: Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt nhẹ (37,5-38 độ C) hoặc bị sốt cao (38-39 độ C), đau họng, tổn thương, đau rát ở miệng, chảy nước bọt nhiều, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát (thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh), trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như:
Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.
Loét miệng: ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.
Dấu hiệu toàn thân nặng: rối loạn tri giác, mê sảng, co giật, nôn, tay chân run rẩy, tim đập nhanh, khó thở, tím tái… Gia đình cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.