Ngày 26/7, Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành văn bản khẩn về việc triển khai công tác truyền thông, nhắn tin tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng.
- Vào 'điểm nóng' dịch tay chân miệng: Những dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng, cần đưa trẻ tới viện ngay!
- TP.HCM: Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 200 trẻ chào đời trong đại dịch Covid-19
Theo thông tin từ Truyền hình Quốc hội, dựa vào báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, chiều 25/7, số ca mắc bệnh tay chân miệng trong tuần 29 (từ ngày 17 đến 23-7) tại địa phương tục tăng nhanh với 2.356 ca, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước (1.455 ca).
Tất cả quận, huyện trên địa bàn thành phố đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 29 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm: quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.
Cũng trong tuần này, thành phố ghi nhận 256 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 12,2% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, huyện Bình Chánh và quận 8.
Nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao, có thể gây bệnh nặng và thậm chí tử vong, là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018, ngành Y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới và có thể kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng tăng nhanh, Sở GD-ĐT TP.HCM ra văn bản khẩn. Cụ thể, dẫn tin từ Kinh tế Đô thị, nhằm bảo vệ trẻ em trước dịch bệnh tay chân miệng, nhất là khi có sự xuất hiện của tác nhân Enterovirus 71, Sở GD-ĐT đề nghị phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các trường mầm non, nhóm trẻ và các trường tiểu học trên địa bàn truyền thông cho phụ huynh với hình thức như gửi tin nhắn qua Zalo cho nhóm phụ huynh; in và phát cho phụ huynh hoặc dán tại lớp học, khu vực chờ đón trẻ với nội dung: “Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà... Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế”.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kịch bản ứng phó gồm 3 cấp độ, thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. TP cũng thành lập Tổ chuyên gia điều trị bệnh tay chân miệng nhằm tăng cường công tác hội chẩn các ca nặng cần chuyển tuyến hoặc ca khó với các cơ sở y tế trong TP và các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam nhằm đảm bảo công tác chuyển viện an toàn.
Sở Y tế phân công các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện thuộc tỉnh/thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh tay chân miệng để xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong.
Ngành Y tế cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Thông tin về dịch bệnh, các biện pháp phòng bệnh được cập nhật hàng ngày với những hình thức truyền thông đa dạng như: video phóng sự, đăng tin trên Fanpage, Tiktok, xe loa cổ động, phát thanh, phát tờ rơi, tư vấn sức khỏe, truyền thông nhóm, nói chuyện sức khỏe... nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cũng như cập nhật các kiến thức về dấu hiệu chuyển nặng cho người dân.