Trẻ mắc tay chân miệng bị biến chứng nặng, nguy hiểm: Chuyên gia chỉ ra 6 cách phòng bệnh

Tin y tế 08/04/2023 11:01

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, đã có những ca trẻ mắc tay chân miệng biến chứng nặng, nguy hiểm, và số lượng ngày càng tăng lên.

Theo VTV, hiện đang là thời điểm giao mùa, là điều kiện để virus phát triển, gây các bệnh về đường hô hấp. Tại một số cơ sở y tế tại Hà Nội lại đang ghi nhận sự tăng trở lại của một số ca bệnh truyền nhiễm. Theo thống kê, số ca tay chân miệng tăng gần 73 lần so với cùng kỳ năm 2022. Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 248 ca tay chân miệng (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 2 ca), 800 ca thuỷ đậu (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 11 ca). Đặc biệt, tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Thủ đô đã ghi nhận một số chùm ca bệnh thuỷ đậu, tay chân miệng.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần vừa qua, Thủ đô đã ghi nhận 63 ca mắc tay chân miệng (tăng hơn so với tuần trước), có thêm 4 ổ dịch tại trường mầm non ở các quận, huyện: Hoàng Mai, Đan Phượng và Thạch Thất, nâng lên thành 8 ổ dịch từ đầu năm tới nay.

Trước sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm và quá tải bệnh nhi nhập viện, CDC Hà Nội nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận bệnh nhân nên đã kích hoạt các đơn vị trong ngành tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy một cách triệt để, có hiệu quả. Giám sát và xử lý hiệu quả các ổ dịch thuỷ đậu, tay chân miệng để ngăn chặn bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Trẻ mắc tay chân miệng bị biến chứng nặng, nguy hiểm: Chuyên gia chỉ ra 6 cách phòng bệnh - Ảnh 1
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Ảnh: Internet

6 lưu ý phòng bệnh

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Khi bị bệnh người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét. Có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng.

Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Vệ sinh cá nhân

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Trẻ mắc tay chân miệng bị biến chứng nặng, nguy hiểm: Chuyên gia chỉ ra 6 cách phòng bệnh - Ảnh 2
Các lưu ý phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: Internet

2. Vệ sinh ăn uống

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt

Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt của trẻ là một trong những biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng

4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi phát hiện sớm

Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh

Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

 

Bà nội sinh con ở tuổi 51: Chuyên gia nói gì?

Bà nội của hai cháu 11 tuổi và 7 tuổi đã mang thai tự nhiên và hạ sinh một bé gái nặng 3,2kg trong niềm vui của gia đình.

TIN MỚI NHẤT