Khi chồng thắc mắc các vấn đề của người vợ, bác sĩ rất khó xử để trả lời, còn cô cũng vô cùng ân hận vì những sai lầm trước đó.
- Tình hình sức khỏe của các bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông liên hoàn ở Hà Nội
- Vụ ô tô tông liên hoàn ở Hà Nội: Một bệnh nhân 28 tuổi tiên lượng xấu, đa chấn thương rất khó phục hồi
Theo thông tin từ Zing, mới đây, tại một bệnh viện ở Hà Nội, thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Du, Trung tâm hỗ trợ sinh sản đã chia sẻ, bệnh nhân từng phá thai 6 lần khi còn trẻ, buồng tử cung bị tàn phá nặng nề. Bệnh nhân bị dính buồng tử cung rất nhiều nhưng muốn giấu chồng.
"Chồng của bệnh nhân liên tục hỏi vì sao niêm mạc tử cung, buồng tử cung của vợ lại hỏng nhiều như vậy. Điều đó khiến các bác sĩ rất khó xử dù thông cảm cho bệnh nhân muốn gìn giữ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, tôi không có lý do nào phù hợp để biện minh giúp bệnh nhân. Chúng tôi phải thuyết phục bệnh nhân thừa nhận với chồng để có kế hoạch điều trị", bác sĩ Du nói.
Bệnh nhân này đã mổ dính buồng tử cung 3 lần nhưng vẫn chưa có con trở lại. Dù đã có phôi, niêm mạc buồng tử cung rất mỏng, tiên lượng có thể mang thai không cao.
Ông giải thích tử cung như ngôi nhà để thai nhi lớn lên. Niêm mạc là "chiếc giường" để trẻ nằm. Nạo hút thai quá nhiều lần khiến lớp niêm mạc bị tổn thương nặng, giống như lấy mất chiếc giường của thai nhi, không có nơi để bám víu và lớn lên.
Một trường hợp khác là cặp vợ chồng trẻ ở Thanh Hóa, đến khám với lý do kết hôn một năm nhưng chưa có thai. "Khi chia sẻ riêng với bác sĩ, bệnh nhân cho biết từng phá thai từ năm 15 tuổi. Cô này cũng từng phẫu thuật do chửa ngoài tử cung tại một cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, bệnh nhân muốn giấu chồng và nhờ bác sĩ nói nguyên nhân là lý do khác, không liên quan tới tiền sử từng phá thai", bác sĩ Du nói.
Đến nay, sau mổ 6 tháng ở Bệnh viện Bưu Điện, bệnh nhân này điều trị chưa có kết quả, có thể cần can thiệp khoa học như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)...
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30.Trong đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm tỉ lệ 50%. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15 - 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Tỉ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
BS CKI Phạm Văn Hưởng - Trưởng khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, tình trạng vô sinh, hiếm muộn hiện nay đang khiến nhiều gia đình, cặp vợ chồng mang tâm lý “nỗi lòng không biết tỏ cùng ai”. Các trường hợp vợ chồng bị hiếm muộn rất đa dạng, với nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai.
Với người vợ, nguyên nhân hay gặp nhất là tắc hai vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung… Với người chồng, thường do bất thường số lượng, chất lượng “con giống”, trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là giãn tĩnh mạch tinh, hoặc không có “con giống” do tắc ống dẫn tinh, “xuất binh” ngược. Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, nếu được tầm soát vô sinh, hiếm muộn sớm, các bạn trẻ sẽ loại trừ được nguyên nhân gây bệnh hoặc được phát hiện và điều trị sớm, giảm chi phí, thời gian và hạn chế nguy cơ bệnh nặng, không để lại di chứng.
Hiện nay, các xét nghiệm về vô sinh, hiếm muộn được thực hiện thường quy, đơn giản với chi phí thấp. Các bác sĩ khuyến cáo, các cặp vợ chồng nếu thấy có những dấu hiệu bất thường (quan hệ tình dục thường xuyên mà không dùng các biện pháp tránh thai trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm mà vẫn chưa có con,…) cần đi khám đển tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết sớm./.