Người đàn ông đang chơi đá bóng thì thấy mệt nên ra sân nằm nghỉ, 30 phút sau được phát hiện đã không còn cử động, mất ý thức. Sau đó dù được cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.
- Những người có khả năng miễn dịch mạnh thường có 10 đặc điểm, nếu bạn có thể đạt được 6 cái thì xin chúc mừng!
- Ngày Tết, người bị gout ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Như Gia đình Việt Nam đã đưa tin, vừa qua, Phòng khám Đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương (Tuyên Quang) đã cấp cứu một trường hợp bị đột quỵ khi đang chơi bóng.
Theo lời người dân kể, nam thanh niên chơi đá bóng đến tầm 17h cảm thấy mệt nên ra sân nằm nghỉ. Trận bóng tiếp tục diễn ra, đến khoảng 17h30 có người phát hiện nam thanh niên không cử động, mất ý thức nên gọi trạm y tế kiểm tra và gọi cấp cứu tới hỗ trợ.
Ngay lập tức, Trung tâm cấp cứu 115 của phòng khám có mặt tại hiện trường tiếp cận nạn nhân trong tình trạng mất ý thức, ngừng tim.
Nhận định đây là 1 trường hợp đột quỵ, các bác sĩ tiến hành cấp cứu hồi sức tim phổi tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi do thời gian phát hiện muộn.
Nhận định về vụ việc, theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, khi tham gia chơi thể thao cần chú ý tới sức khỏe của bản thân.
Tình trạng đột quỵ khi chơi thể thao chủ yếu do người bệnh có vấn đề về huyết áp, bệnh lý tim mạch. Hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ não có 2 thể là nhồi máu não và xuất huyết não.
Trong đó, nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, gây hoại tử và chết khu vực não không được cung cấp máu, dẫn đến các chứng đột quỵ và có thể tử vong.
Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, máu đột ngột xâm lấn vào não, làm tổn thương não.
"Cụ thể khi đá bóng, nhịp tim thay đổi, đập nhanh hơn, nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến nhịp tim, huyết áp tăng nhanh, xuất hiện các cơn thiếu máu lên não.
Có thể sau vài phút người bệnh sẽ trở lại trạng thái bình thường nhưng đây chính là dấu hiệu dự báo cơn đột quỵ nguy hiểm sắp xảy ra", BS Mạnh cho hay.
Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Cũng có những người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.
Dấu hiệu nhận diện đột quỵ não
Theo BS Mạnh, có thể nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ qua quy tắc "BE FAST":
- B (Balance - Thăng bằng): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
- E (Eyesight - Thị lực): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của một hoặc cả 2 mắt.
- F (Face - Khuôn mặt): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
- A (Arm - Cánh tay): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng một lúc.
- S (Speech - Giọng nói): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
- T (Time - Thời gian): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Trước đây đột quỵ thường xảy ra với người cao tuổi và người trung niên, người từ 50 tuổi trở lên, gần đây tỷ lệ đột quỵ gia tăng ở cả người trẻ.
Lý do đột quỵ ở người trẻ tăng lên chủ yếu do một số nguyên nhân như:
- Dị dạng mạch máu não, mạch máu có thể có những túi phình hoặc tắc nghẽn.
- Bệnh lý mãn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường,...).
- Thói quen về sinh hoạt, ăn uống, vận động có thể gây nên đột quỵ như hút thuốc lá, ăn những thức ăn nhanh hoặc chứa nhiều dầu mỡ sẽ khiến việc tích lũy mỡ thừa trong máu.
- Thói quen ít vận động, di chuyển đi lại.