Đeo tai nghe nhiều có ảnh hưởng thế nào đến thính lực luôn là nỗi bận tâm của nhiều người!
- Tại sao giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe và thể hình của bạn?
- Chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ: Đã đến lúc quan tâm đến sức khỏe tâm thần của bạn!
Nội dung bài viết
Điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Và ngày càng có nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên dành hàng giờ để sử dụng các thiết bị âm thanh di động khác nhau như tai nghe nhét tai, tai nghe chụp tai và airpods,... Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng nổ, càng khiến những thiết bị này trở thành vật không thể thiếu trong cuộc sống học tập và làm việc hàng ngày, nhất là với những nhân viên văn phòng phải ngồi hàng giờ trước máy để tham dự vô số giờ họp và thảo luận online.
Vậy thói quen đeo tai nghe nhiều có gây hại gì đến thính lực của chúng ta? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết ở ngay bài viết dưới đây nhé!
Thói quen đeo tai nghe và nguy cơ mất thính lực
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hai yếu tố rủi ro chính dẫn đến mất thính lực là sử dụng thiết bị âm thanh di động và tham dự các buổi hòa nhạc hoặc câu lạc bộ. Cả hai hoạt động này đều khiến thanh thiếu niên tiếp xúc với âm nhạc cường độ cao trong thời gian dài. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: hầu hết mọi người có các triệu chứng như ù tai, mất thính giác tạm thời và mất thính lực từ tiếng ồn đều do không được giáo dục đầy đủ về cách sử dụng thiết bị âm thanh di động ở mức độ tiếng ồn hợp lý và thời gian sử dụng vừa phải để bảo vệ thính giác.
Kết quả của một nghiên cứu khác chỉ ra rằng thanh thiếu niên nghe nhạc lớn bằng tai nghe trong môi trường vốn đã ồn ào hoặc sử dụng tai nghe trung bình hơn 80 phút mỗi ngày trong môi trường ồn ào có nguy cơ mất thính lực cao hơn đáng kể. Mọi người có nhiều khả năng nghe nhạc với âm lượng lớn hơn tiếng ồn môi trường, đặc biệt là trong tàu điện ngầm và xe buýt, nơi có mức độ tiếng ồn trung bình là 80 db.
Sức khỏe của tai có hai khía cạnh - một là chăm sóc thính giác của bạn và hai là ngăn ngừa tai khỏi bất kỳ loại nhiễm trùng nào để giữ cho tai luôn khỏe mạnh. Theo WHO - Tổ chức y tế thế giới, mức độ tiếng ồn trong môi trường nên ở mức dưới 70dB trong 24 giờ. Nếu mức này tăng thêm 5 decibel, thì thời gian để tai hoạt động phải giảm xuống còn 7-8 giờ.
Trong một cuộc phỏng vấn, Tiến sĩ Abhilasha Sadhoo và Tiến sĩ Meenu Krishnan đã chia sẻ: “Cơ chế mà tiếng ồn lớn có thể gây ra mất thính lực là do tổn thương các tế bào lông ốc tai. Nếu một người tiếp xúc với tiếng ồn lớn của tai nghe trong một thời gian dài, tai trong có thể bị mỏi và dây thần kinh thính giác có thể trở nên mất nhạy cảm, dẫn đến mất thính lực tạm thời do tiếng ồn. Trong trường hợp nghiêm trọng, việc tiếp xúc với tiếng ồn lớn làm tăng nguy cơ gây mất thính lực vĩnh viễn. Một mối lo ngại khác đang gia tăng là từ trường tĩnh bắt nguồn từ các thiết bị âm thanh này và tác động của chúng đối với sức khỏe thính giác và thần kinh.”
Do đó, ngày càng có một nhu cầu quan trọng là giáo dục giới trẻ của chúng ta về các vấn đề khi sử dụng các thiết bị này một cách thiếu thận trọng và về cách thúc đẩy các hành vi lắng nghe lành mạnh. Hầu hết các nghiên cứu khuyến nghị sử dụng các thiết bị này ở cường độ dưới 60dB trong khoảng thời gian 1-3 giờ mỗi ngày. Điều quan trọng nữa là tránh sử dụng các thiết bị này ở những khu vực có tiếng ồn môi trường cao hơn đáng kể, chẳng hạn như trên xe buýt, trung tâm thương mại và phòng tập thể dục. Ngoài ra, bạn cũng nên giữ cho các thiết bị sạch sẽ và duy trì vệ sinh tai tốt để tránh đổ mồ hôi quá nhiều, gây nên các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
Theo Tiến sĩ Manjunath MK, Chuyên gia tư vấn bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng tại Bệnh viện SPARSH cho biết: “Người ta phải giữ cho tai của mình khỏe mạnh và không sử dụng tăm bông để làm sạch ráy tai. Bởi ráy tai là vật liệu làm sạch, giúp ngăn ngừa bụi bẩn từ bên ngoài và tránh nhiễm trùng tai. Nếu bạn sử dụng tăm bông hoặc nút bịt tai để làm sạch tai, trên thực tế, bạn sẽ đẩy ráy tai vào sâu bên trong hơn. Chính vì vậy, để giữ cho đôi tai của bạn khỏe mạnh, tốt hơn hết là bạn hãy dùng khăn lau khô tai sau khi tắm, chứ không phải dùng tăm bông hay các vật dụng để ngoáy tai. Ngoài ra, tai có cơ chế tự làm sạch. Mỗi khi chúng ta ăn nhai, ráy tai có xu hướng tự rơi xuống do các mấu hàm có xu hướng tự rơi xuống nên bạn không nhất thiết cần phải vệ sinh tai.”
Bên cạnh đó, Tiến sĩ cũng nói thêm: “Nếu bạn đang sử dụng tai nghe nhét tai, hãy giữ cường độ ở mức thấp nhất có thể. Có một thứ gọi là “quy tắc 60-60”. Giữ âm lượng ở mức tối đa 60% và chỉ nên sử dụng trong thời gian dưới 60 phút. Nếu việc sử dụng tai nghe trong hơn 60 phút và hơn 60% cường độ, thì bạn có nguy cơ mắc một bệnh gọi là NIHL (Mất thính lực do tiếng ồn).”
Không chỉ vậy, như đã đề cập trước đó, tai có cơ chế tự làm sạch. Nếu bạn liên tục sử dụng tai nghe, bạn đang cản trở dòng chảy của ráy tai, khi đó ráy tai có xu hướng tích tụ lại và có thể dẫn đến nhiễm trùng tai. Trong trường hợp này, việc sử dụng tai nghe chụp tai tương đối tốt hơn, vì chúng không cản trở cơ chế thoát dịch của tai.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng tai nghe
- Giảm thời lượng bạn sử dụng tai nghe trong một ngày.
- Nếu bạn đang làm việc trong một môi trường ồn ào, thì hãy hạn chế thời gian đeo tai nghe hoặc sử dụng nút tai. WHO khuyến nghị chỉ nên nghe ở mức 75 decibel trong 8 giờ và nếu bạn tiếp xúc với âm lượng nhiều hơn mức đó, thì bạn phải sử dụng nút tai để tránh mất thính lực.
- Không nghe nhạc với âm lượng quá lớn.
- Không dùng tăm bông để lấy ráy tai.
- Không sử dụng thuốc nhỏ tai không cần thiết trừ khi được bác sĩ khuyên dùng.
- Ngoài ra, khi đi trên một chuyến bay, trong quá trình cất cánh và hạ cánh, tai chúng ta thường có xu hướng bị tắc. Hiện tượng này xảy ra do sự chênh lệch áp suất giữa tai ngoài và tai giữa. Lúc này, việc nuốt nước bọt hoặc nhai kẹo cao su có thể giúp mở ống nối tai giữa và mũi, nhờ đó cân bằng áp suất giữa tai ngoài và tai giữa, giúp ngăn ngừa đau tai hiệu quả. Bạn hãy lưu ý mẹo này nhé!
Trên đây là câu trả lời chi tiết của các chuyên gia sức khỏe về câu hỏi “dùng tai nghe nhiều có gây mất thính lực không”, cũng như lời khuyến nghị khoa học về thời gian sử dụng tai nghe và cách vệ sinh tai đúng cách. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với các chị em nhé!