Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng thường xuyên uống đồ uống có chứa nhiều đường, chẳng hạn như đồ uống có ga, làm tăng tỷ lệ mắc chứng rung tâm nhĩ. Đặc biệt, đồ uống không calo có chứa chất làm ngọt nhân tạo được phát hiện có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
- Nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ bất ngờ giữa võng mạc mắt và tình trạng bệnh tim - phổi
- 6 điều bác sĩ tim mạch làm để sống lâu hơn, ai cũng có thể học theo
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc gần đây đã thông báo rằng họ đi đến kết luận này qua nghiên cứu phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 200.000 người trưởng thành từ dữ liệu Biobank của Vương quốc Anh.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Journal of the American Heart Association số mới nhất.
Rung nhĩ là một dạng của rối loạn nhịp tim, một tình trạng trong đó tim đập không đều. Khi xảy ra rối loạn nhịp tim này, các cơ trong tim có vẻ rung lên thay vì co lại bình thường. Nếu các triệu chứng kéo dài có thể hình thành cục máu đông dẫn đến đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu theo dõi kéo dài 10 năm trên 201.856 người trưởng thành từ 37 đến 73 tuổi không có triệu chứng rung tâm nhĩ khi bắt đầu nghiên cứu. Nếu bất kỳ người tham gia nào có triệu chứng rung tâm nhĩ, điều này sẽ được phân tích liên quan đến thói quen sinh hoạt của họ, chẳng hạn như liệu họ có uống đồ uống có ga hay không. Trong số 200.000 người tham gia, tổng cộng 9.352 người có triệu chứng rung tâm nhĩ trong thời gian nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người uống hơn 2 lít đồ uống có chứa chất làm ngọt nhân tạo mỗi tuần có nguy cơ mắc chứng rung tâm nhĩ tăng 20% so với những người không uống đồ uống có chứa chất làm ngọt nhân tạo, những người uống đồ uống có đường được phát hiện tăng nguy cơ rung tâm nhĩ khoảng 10%.
Mặt khác, nước ép trái cây nguyên chất không được phát hiện có liên quan đến việc tăng tỷ lệ rung tâm nhĩ trong nghiên cứu này. Các nhà nghiên cứu cảnh báo: "Bởi vì những người tham gia uống nhiều loại đồ uống nên rất khó để phân loại chính xác tác động của việc uống bất kỳ loại đồ uống cụ thể nào. Tuy nhiên, rõ ràng là tốt nhất nên tránh uống đồ uống ngọt càng nhiều càng tốt".