Thời kỳ mãn kinh có thể mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong cơ thể phụ nữ và có thể tác động đến hệ thống tim theo một số cách. Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia về những việc cần làm để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
- Bác sĩ phụ khoa chia sẻ 4 triệu chứng ung thư cổ tử cung ít người biết, phụ nữ sau tuổi 30 càng không nên bỏ qua
- Phụ nữ nên ăn gì để khỏe mạnh ngay cả khi về già?
Trong thời kỳ mãn kinh hoặc cuối chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể phụ nữ trải qua những thay đổi nội tiết tố mạnh mẽ, biểu hiện dưới dạng nhiều dấu hiệu và triệu chứng bao gồm mất ngủ, tim đập thình thịch, bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm và nhiều triệu chứng khác. Mãn kinh xảy ra khi không có kinh nguyệt trong khoảng thời gian 12 tháng liên tục.
Sau mãn kinh, lượng hormone sinh sản estrogen và progesterone giảm sút có thể dẫn đến nhiều thay đổi về thể chất và tinh thần ở phụ nữ. Những hormone này đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các chức năng khác nhau của cơ thể và khi sự bài tiết của chúng giảm đi, có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh tim mạch.
Theo Tổ chức Tim mạch Anh, việc giảm nồng độ estrogen có thể dẫn đến tích tụ chất béo trong động mạch khiến động mạch trở nên hẹp hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch vành, đau tim hoặc đột quỵ. Ngoài ra, nồng độ estrogen thấp cũng có liên quan đến tăng cân, nồng độ cholesterol cao, tăng huyết áp và tăng lượng mỡ quanh tim, tất cả đều là những yếu tố nguy cơ gây ra cơn đau tim.
"Sau mãn kinh, điều cần thiết là phải ưu tiên sức khỏe tim mạch. Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên, hướng tới tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần. Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc đồng thời giảm thiểu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Hãy theo dõi huyết áp, mức cholesterol và lượng đường trong máu vì những yếu tố này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Các kỹ thuật quản lý căng thẳng, chẳng hạn như thiền hoặc các bài tập thở sâu, có thể góp phần mang lại sức khỏe tổng thể", Tiến sĩ V. Vinoth Kumar, Bác sĩ tim mạch can thiệp tư vấn cấp cao, Bệnh viện CARE, Thành phố HITEC, Hyderabad cho biết.
Tiến sĩ Aparna Jaswal - Giám đốc Viện Tim Fortis Escorts, New Delhi, cho biết sau mãn kinh, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn do thay đổi nội tiết tố, nhưng có một số chiến lược giúp ngăn ngừa các cơn đau tim và duy trì sức khỏe tim mạch.
Mẹo phòng ngừa bệnh tim sau mãn kinh
1. Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh đồng thời hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, natri và đường bổ sung.
2. Tập thể dục thường xuyên: Đặt mục tiêu tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút hoặc 75 phút tập thể dục với cường độ mạnh mỗi tuần, cùng với các hoạt động tăng cường cơ bắp.
3. Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức bình thường (18,5 đến 24,9) để giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
4. Bỏ hút thuốc: Hút thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim, vì vậy hãy tìm kiếm sự giúp đỡ để bỏ thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
5. Hạn chế uống rượu: Uống rượu vừa phải, được định nghĩa là tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ, có thể giúp duy trì sức khỏe tim mạch.
6. Quản lý căng thẳng: Thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thở sâu, thiền, yoga hoặc tham gia vào các sở thích thú vị.
7. Theo dõi huyết áp và cholesterol: Thường xuyên kiểm tra, quản lý huyết áp và mức cholesterol để giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
8. Kiểm soát lượng đường trong máu: Quản lý bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường thông qua chế độ ăn kiêng, tập thể dục, dùng thuốc và theo dõi.
9. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Lên lịch khám sức khỏe định kỳ để đánh giá sức khỏe tim mạch và giải quyết mọi lo ngại.
10. Tuân thủ dùng thuốc: Dùng thuốc được kê đơn để điều trị các tình trạng như huyết áp cao, cholesterol cao hoặc tiểu đường theo chỉ dẫn.
11. Ngủ ngon: Hãy đặt mục tiêu ngủ ngon từ 7-9 giờ mỗi đêm để hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Bằng cách áp dụng những thói quen sinh hoạt này, phụ nữ có thể giảm nguy cơ đau tim và duy trì sức khỏe tim mạch tốt sau mãn kinh.