Thời tiết nồm ẩm không chỉ gây ra các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, đau mắt đỏ… mà còn gây ra các bệnh da liễu.
- Thời gian sinh tồn của những người bị mắc kẹt là bao lâu, xúc động bé gái 7 tuổi che cho em trong đống đổ nát đã được cứu
- Hà Nội: Nhiều phụ huynh tá hoả vì con em mới lớp 8 đã làm ‘chuyện ấy’, bác sĩ lắc đầu vì 'lỗ hổng' kiến thức
Thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh phát triển mạnh mẽ. Nếu như không có biện pháp chăm sóc sức khoẻ phù hợp, con người rất thể mắc các bệnh về đường hô hấp, truyền nhiễm, … Trong đó, các bệnh về da cũng khá phổ biến như nấm da, nổi mề đay, mụn trứng cá...
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, những ngày qua số người đến khám bệnh về da tăng cao. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh - Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nhiều trường hợp vào viện khám vì dị ứng thời tiết, viêm da dị ứng, mề đay, nấm,…
Theo bác sĩ Minh, ngoài các bệnh do virus, vi khuẩn thì nấm da là bệnh gặp khá phổ biến do thời tiết nồm ẩm những ngày qua.
Theo đó, trên da xuất hiện tình trạng ngứa, rát đỏ và lan rộng dần khiến người bệnh khó chịu và ngứa ngáy. Một số những trường hợp bị nấm sẵn nhưng đến mùa nồm ẩm sẽ phát triển mạnh hơn như: lang ben, hắc lào.
Mặc dù, nấm da không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hầu hết người bệnh phải điều trị kéo dài, có thể từ 1-6 tháng với các bệnh như: nấm tay, nấm chân, nấm tóc...
Ngoài ra, thời tiết nồm ẩm khiến vi khuẩn phát triển mạnh kết hợp da mặt luôn ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các chất bã nhờn bít tắc lỗ chân lông, vi khuẩn phát triển, khiến nhiều người bị mụn bọc, mụn mủ, mụn trứng cá.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Cẩm Vân - Trưởng Khoa xét nghiệm vi sinh - nấm - Ký sinh trùng, Bệnh viện Da liễu Trung ương lưu ý người mắc bệnh về da, hằng ngày cần làm sạch da 2-3 lần để tránh bụi tích tụ trên da, cùng đó nên thay vỏ gối, vỏ chăn ga thường xuyên và giữ sạch khăn rửa mặt.
Bác sĩ Vân cũng khuyến cáo mọi người không mặc quần áo khi còn ẩm ướt. Nên sấy khô quần áo trước khi mặc, nhất là với trẻ em, vì trời ẩm khiến quần áo sau giặt thường thiếu nắng, lâu khô, khi mặc trên người dễ gây ngứa ngáy cho da.
Cần thường xuyên vệ sinh nhà ở, môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh chăn, ga, gối, đệm thường xuyên, hạn chế mở cửa để tránh hơi ẩm tràn vào nhà, có thể sử dụng điều hòa hoặc máy hút ẩm để hút hơi ẩm trong không khí trong nhà.
Ăn uống đủ chất, bổ sung rau củ, các loại trái cây, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng cơ thể, giúp da khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, cần uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế ăn các đồ cay nóng.
Các bác sĩ nhấn mạnh, với điều kiện thời tiết không thuận lợi như mưa nhiều, ẩm ướt, ít gió, ... các bệnh về da thường dễ bị bùng phát. Do đó, khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bị nấm da, viêm da hoặc mề đay, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị mà cần có sự tư vấn của bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.