Thời tiết nồm ẩm trẻ dễ ốm, bác sĩ chỉ bệnh dễ mắc và cách phòng ngừa

Sức khỏe 09/02/2023 15:38

Thời tiết nồm ẩm là tác nhân gây nên hàng loạt vấn đề sức khỏe như gia tăng bệnh truyền nhiễm, bệnh về đường hô hấp, nhất là với trẻ nhỏ.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây mỗi ngày bệnh viện đón nhận trên 1.000 bệnh nhân đến khám. Đại diện bệnh viện cho biết, có thể thời tiết nồm ẩm mới bắt đầu được ít ngày nên số trẻ bị ảnh hưởng chưa nhiều. Do vậy, việc phòng bệnh trước cho trẻ để tránh bị bệnh, nhất là bệnh về đường hô hấp, da liễu, bệnh truyền nhiễm là rất quan trọng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho hay, những ngày vừa qua số lượng bệnh nhi đến khám bắt đầu có xu gia tăng, đa số trẻ đến khám do mắc các bệnh như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản và một số bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu.

Bác sĩ Lê Thị Thu Phương (Khoa Nội Nhi tổng hợp), Bệnh viện E, cho biết từ đầu tuần đến nay số lượng bệnh nhi đến khám tăng gấp 3 lần so với những ngày trước đó. Đặc biệt, lượng trẻ đến khám buổi tối cũng gia tăng với khoảng 20 bệnh nhân/ đêm.

Thời tiết nồm ẩm trẻ dễ ốm, bác sĩ chỉ bệnh dễ mắc và cách phòng ngừa - Ảnh 1

Bác sĩ Phương đang khám cho bệnh nhi.

Nguyên nhân số trẻ tới khám và nhập viện gia tăng là do thời điểm giao mùa, thời tiết nồm ẩm nên các bệnh lý về đường hô hấp, bệnh lý truyền nhiễm do virus tăng lên rõ rệt. Với những trẻ có bệnh lý mạn tính, nếu mắc các bệnh về đường hô hấp sẽ dễ chuyển nặng.

Không chỉ gia tăng các bệnh lý về đường hô hấp, tại khoa Nhi của bệnh viện E cũng bắt đầu tiếp nhận trẻ bị viêm kết mạc (đau mắt đỏ). Theo bác sĩ Phương, đa số trẻ bị lây bệnh do thói quen sinh hoạt hàng ngày hoặc lây ở trường lớp.

Bác sĩ Phương cho hay, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm như hiện nay, để phòng bệnh cho trẻ bố mẹ cần lưu ý tiêm vắc xin đủ và đúng lịch cho con. Trong ăn uống, cần đảm bảo đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, bố mẹ nên cho con uống nước ấm, tránh ăn hoặc uống nước lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Thời tiết nồm ẩm nhưng cha mẹ cũng cần phải giữ ấm cơ thể cho trẻ, tránh để trẻ mặc quá phong phanh nhiễm lạnh hoặc mặc ấm quá làm toát mồ hôi gây lạnh. Cha mẹ cũng cần lưu ý ủ ấm cho trẻ khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; cho trẻ mặc ấm, giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, tiêu chảy, bệnh hô hấp,… Hạn chế đưa trẻ đến những chỗ đông người. Khi cho trẻ tới nơi công cộng nên đeo khẩu trang cho trẻ. Bệnh cạnh đó cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày cho con.

Gia đình cũng nên đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm như đỏ mắt, dụi mắt, sốt, ho, khò khè cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.

 

Thời gian sinh tồn của những người bị mắc kẹt là bao lâu, xúc động bé gái 7 tuổi che cho em trong đống đổ nát đã được cứu

Con số thương vong trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang tăng lên từng ngày, lực lượng cứu hộ đã nỗ lực giải cứu hàng nghìn người bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

TIN MỚI NHẤT