Thời điểm giao mùa chính là thời điểm bệnh viêm da cơ địa dễ tái phát, vậy đâu là nguyên nhân và làm cách nào để phòng ngừa?
- Nguyên tắc "3 nửa phút" ai cũng có thể thực hiện được để tránh đột quỵ
- Người có đường huyết cao sẽ có 3 dấu hiệu này trên da: Muốn đường huyết ổn định phải tuân thủ 4 quy tắc này
Theo các chuyên gia y tế, viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính, dễ tái phát và chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường như thời tiết thay đổi (hanh khô quá, nồm quá, hoặc ra nhiều mồ hôi); dị ứng thức ăn, môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá…
Do đó, người bệnh cần chọn cho mình địa chỉ tin cậy để khám bệnh, có thể đến các bệnh viện chuyên khoa da liễu, phòng khám có bác sĩ da liễu uy tín, và thường xuyên trao đổi tình trạng với bác sĩ mỗi ngày, rồi mọi thứ sẽ được kiểm soát dần theo thời gian.
Theo các chuyên gia Bệnh viện Da liễu Trung ương, dưới đây là một số biện pháp làm hạn chế tái phát viêm da cơ địa bạn cần biết.
- Dùng dưỡng ẩm đúng cách, đủ liều: Dưỡng sau tắm 5-10 phút, ngày ít nhất 2 lần, đủ lượng cần thiết (tuỳ theo các khuyến cáo):
+ Trẻ em dao động 100 - 300 g/tuần.
+ Người lớn 300 - 500g/tuần, xoa toàn thân.
+ Khi đỡ vẫn phải bôi để dự phòng tái phát.
- Tránh các yếu tố kích thích như quần áo len, màu, thắt lưng, giày, găng tay, đồ trang sức... Hạn chế một số loại thức ăn như trứng gà, sữa bò.
- Tránh xa mạt nhà (thảm, rèm…); tránh xà phòng, chất tẩy rửa; tắm không quá lâu, hạn chế dùng sưởi, điều hoà, tạo độ ẩm trong phòng phù hợp, môi trường không thuốc lá, tránh nơi ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể làm các test dị nguyên tại bệnh viện để biết được chính xác tình trạng dị ứng.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ: Nếu dùng Corticoid phải bôi đúng theo hướng dẫn của bác sĩ (thông tin trên tờ giới thiệu thuốc chỉ là tham khảo), không tự ý dùng. Khi bệnh đỡ có thể dùng phác đồ dự phòng tuần 2 lần vào 2 ngày cuối tuần để tránh tái phát.