Việc cất bàn chải đánh răng trong phòng tắm có thể khiến bàn chải phát sinh các vấn đề về vệ sinh nhưng mức độ rủi ro tùy thuộc vào môi trường và thói quen sử dụng phòng tắm của từng người.
- 3 loại thực phẩm ăn nhiều sẽ gây hại cho đường ruột, tất cả đều là món khoái khẩu của nhiều người
- 4 dấu hiệu buổi sáng cảnh báo nguy cơ ung thư phổi
Đối với nhiều người, việc để bàn chải đánh răng trong phòng tắm sẽ hữu ích và thuận tiện vì đây là nơi họ đánh răng. Tuy nhiên, theo nha sĩ, Tiến sĩ Payal Bhalla, việc để bàn chải đánh răng trong phòng tắm có thể khiến bàn chải tiếp xúc với hàng loạt chất bẩn.
Nha sĩ chính kiêm Giám đốc lâm sàng của Quest Dental cho biết: "Chất bẩn có thể hiện diện trong môi trường phòng tắm, kể cả trên các bề mặt như bàn chải đánh răng. Điều này có thể xảy ra khi xả bồn cầu mà không đóng nắp, vì việc xả nước có thể giải phóng những giọt nước nhỏ vào không khí có thể chứa vi khuẩn trong phân và các vi sinh vật khác".
"Để giảm thiểu nguy cơ các chất bẩn tiếp xúc với bàn chải đánh răng, người dùng có thể làm theo các mẹo vệ sinh như rửa bàn chải đánh răng trước khi sử dụng, cất thẳng đứng, sử dụng nắp bàn chải đánh răng và đóng nắp bồn cầu khi xả nước hoặc không sử dụng".
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Bhalla cũng chỉ ra một số lý do khác khiến việc cất bàn chải đánh răng trong phòng tắm có thể bị coi là mất vệ sinh.
Vi khuẩn bay trong không khí
Khi xả bồn cầu, đặc biệt là khi nắp mở hay khi tắm giặt những giọt nước nhỏ chứa vi khuẩn và các vi sinh vật khác có thể phát tán trong không khí và đọng lại trên các bề mặt gần đó, bao gồm cả bàn chải đánh răng của bạn.
Gần bồn cầu
Nếu bàn chải đánh răng được đặt gần bồn cầu, bàn chải có nhiều khả năng tiếp xúc với các hạt trong không khí và nước bắn vào, có khả năng dẫn đến nhiễm bẩn.
Độ ẩm
Phòng tắm có xu hướng là môi trường ẩm ướt, có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc trên bàn chải đánh răng của các gia đình.
Phòng tắm chung
Trong phòng tắm chung, khả năng lây nhiễm chéo cao hơn vì nhiều người có thể sử dụng không gian đó và chạm vào nhiều bề mặt khác nhau.
Làm cách nào để giữ cho bàn chải đánh răng không có vi khuẩn?
Tiến sĩ Bhalla cho biết, để giải quyết những mối lo ngại này và giữ cho bàn chải đánh răng không có vi khuẩn, các gia đình nên chú ý.
Rửa sạch bàn chải trước khi sử dụng
Luôn rửa kỹ bàn chải đánh răng bằng nước máy trước khi sử dụng. Điều này có thể giúp loại bỏ bất kỳ chất gây ô nhiễm tiềm năng nào.
Bảo quản thẳng đứng và tách biệt
Cất bàn chải đánh răng thẳng đứng trong hộp đựng bàn chải đánh răng hoặc cốc để bàn chải khô tự nhiên. Hãy chắc chắn rằng các bàn chải đánh răng không chạm vào nhau để tránh lây nhiễm chéo.
Thay bàn chải thường xuyên
Bàn chải đánh răng nên được thay thế ba đến bốn tháng một lần hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị sờn. Điều này giúp đảm bảo việc sử dụng bàn chải đánh răng được hiệu quả và hợp vệ sinh.
Đóng nắp bồn cầu
Nếu có thể, hãy đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước để giảm thiểu sự phát tán của các hạt trong không khí.
Sử dụng vỏ bọc bàn chải đánh răng
Cân nhắc sử dụng vỏ bọc bàn chải đánh răng có khả năng thông gió để bảo vệ bàn chải đánh răng khỏi các chất gây ô nhiễm trong phòng tắm.
Vệ sinh thường xuyên
Làm sạch hộp đựng bàn chải đánh răng hoặc cốc thường xuyên để ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn và nấm mốc.
Bàn chải đánh răng nên được cất ở đâu?
Tiến sĩ Bhalla cho biết vị trí lý tưởng nhất để cất bàn chải đánh răng là ở khu vực khô ráo bên ngoài phòng tắm, chẳng hạn như phòng ngủ hoặc tủ đựng bàn chải đánh răng riêng.
Nếu phải cất bàn chải trong phòng tắm, hãy để bàn chải càng xa bồn cầu càng tốt và làm theo những lời khuyên nêu trên để giảm nguy cơ ô nhiễm. Ngoài ra, nếu gia đình sử dụng phòng tắm chung, mỗi người nên có hộp hoặc cốc đựng bàn chải đánh răng riêng để tránh tiếp xúc giữa các bàn chải đánh răng.
Mặc dù việc cất bàn chải đánh răng trong phòng tắm tiềm ẩn một số rủi ro về vệ sinh, nhưng việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh đúng cách và thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể giúp giảm thiểu những rủi ro này và giữ cho bàn chải đánh răng tương đối an toàn khi sử dụng hàng ngày.