Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu thấy các triệu chứng dưới đây hãy dừng tập ngay lập tức.
- Cụ ông 90 có vẻ ngoài trẻ hơn 20 tuổi nhờ 4 thói quen cực đơn giản
- Tắm nước nóng gây vô sinh, “giết” tinh trùng: Sự thật thế nào?
Ai cũng biết rằng tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, đặc biệt đối với sức khỏe tim mạch. Tập thể dục thường xuyên giúp sức khỏe tim mạch tốt hơn, cơ tim khỏe hơn, cải thiện khả năng bơm máu. Tiến sĩ Jeff Tyler, một bác sĩ tim mạch tại California (Mỹ), giải thích: “Tập thể dục thường xuyên ở mức độ vừa phải giúp điều chỉnh các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim”. Tập thể dục có thể giúp giảm cholesterol, giảm huyết áp, cải thiện lượng đường trong máu, giảm viêm.
Tuy nhiên khi tập thể dục, tuần hoàn máu tăng lên khiến cho tim phải đập nhanh hơn. Do đó, nếu tập quá sức có thể gây ra những vấn đề nguy hiểm cả tới tính mạng. Dưới đây là những bất thường xảy ra trong lúc tập luyện mà bất cứ ai cũng cần lưu ý.
1. Tim đập quá nhanh
Điều quan trọng là phải theo dõi nhịp tim trong suốt quá trình tập luyện. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khi tập thể dục ở cường độ vừa phải, nhịp tim của bạn nên nằm trong khoảng từ 64% - 76% nhịp tim tối đa. Ví dụ, đối với một người lớn 40 tuổi, nhịp tim khi tập thể dục cường độ vừa là khoảng 115-137 nhịp/ phút.
Theo CDC, bạn có ước lượng nhịp tim tối đa dựa trên độ tuổi bằng cách lấy 220 trừ đi độ tuổi của mình. Ví dụ 1 người 50 tuổi, nhịp tim tối đa sẽ là 170 nhịp/ phút.
Kisha Carr, một huấn luyện viên thể hình người Mỹ, nói: “Nếu nhịp tim vượt quá 90% nhịp tim tối đa trong một thời gian dài, đó có thể là dấu hiệu đáng báo động mà bạn nên đi khám bác sĩ”.
Tương tự, nếu nhịp tim tăng đột ngột trong khi tập thể dục trong khi cường độ tập luyện không tăng, hãy dừng tập và theo dõi thêm để đảm bảo không có gì bất ổn.
“Bạn cũng nên lắng nghe cơ thể mình. Nếu bạn cảm thấy như bạn đang quá sức, hãy giảm cường độ tập luyện”, vị huấn luyện viên thể hình cho hay.
2. Đau ngực
Tiến sĩ Martha Gulati, Khoa Tim mạch dự phòng, Viện Tim mạch Cedars-Sinai Smidt (Mỹ), nói: “Đau ngực luôn là một triệu chứng bất thường”. Nữ tiến sĩ cho biết trong một số trường hợp, tập thể dục có thể gây ra cơn đau tim. Do đó, nếu bạn cảm thấy đau hoặc tức ngực, đặc biệt là kèm theo buồn nôn, nôn, chóng mặt, khó thở hoặc đổ nhiều mồ hôi, hãy dừng tập và nhờ sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
3. Khó thở
Khó thở có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một cơn đau tim. Những người bị suy tim, hen suyễn cũng có thể có triệu chứng này và tập thể dục đôi khi cũng gây ra khó thở.
Tiến sĩ Gulati nói: “Nếu bạn đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, khó thở, ngay cả khi tập thể dục với mức độ mà bạn có thể dễ dàng thực hiện, hãy ngừng tập và đến gặp bác sĩ để được thăm khám”.
4. Chóng mặt
Chóng mặt xảy ra khi tập thể dục có thể do bạn đã tập quá sức hoặc chưa ăn uống đầy đủ trước khi tập luyện. Tuy nhiên, nếu tình trạng này không cải thiện sau khi bạn dừng lại để uống nước hoặc ăn nhẹ chút gì đó, hoặc chóng mặt kèm theo đổ mồ hôi nhiều, lú lẫn, thậm chí ngất xỉu, đó là trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp.
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của mất nước, tụt đường huyết, vấn đề về huyết áp hoặc có thể là vấn đề về hệ thần kinh. Tiến sĩ Gulati cho biết chóng mặt cũng có thể báo hiệu vấn đề về van tim.
5. Chuột rút
Chuột rút dường như vô hại, nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua triệu chứng này. Chuột rút ở chân trong khi tập thể dục có thể báo hiệu tình trạng tắc nghẽn động mạch chính ở chân.
Chuột rút cũng có thể xảy ra ở cánh tay, nhưng bất kể chúng xảy ra ở đâu, "nếu bạn bị chuột rút, đó là lý do bạn cần dừng tập thể dục”, tiến sĩ Mark Conroy, bác sĩ cấp cứu y học thể thao, Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho hay.
Mặc dù lý do chính xác gây ra tình trạng chuột rút chưa được lý giải nhưng theo các nhà khoa học, chuột rút có thể liên quan tới tình trạng mất nước hoặc mất cân bằng điện giải. Tiến sĩ Conroy giải thích: “Theo tôi, mất nước có thể gây ra chuột rút. Nồng độ kali thấp cũng có thể gây ra tình trạng này”. Mất nước có thể là một vấn đề lớn với sức khỏe, đặc biệt nếu bạn đang tập thể dục trong thời tiết nóng.
Để xử lý tình trạng chuột rút, tiến sĩ Conroy cho biết trước tiên bạn nên dừng tập luyện. Sau đó, bạn có thể làm mát vùng bị chuột rút bằng một chiếc khăn lạnh hoặc chườm đá, đồng thời kết hợp xoa bóp để giảm sự khó chịu.
6. Nhịp tim không đều
Ở những bệnh nhân bị rung tâm nhĩ - tình trạng nhịp tim không đều - điều quan trọng cần làm là chú ý tới nhịp tim khi tập thể dục và tìm kiếm sự trợ giúp khẩn cấp nếu triệu chứng rối loạn nhịp tim xảy ra.
7. Đổ nhiều mồ hôi hơn bình thường
Nếu lượng mồ hôi đột ngột tăng nhiều hơn so với bình thường, đó cũng là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn.
Tiết mồ hôi giúp làm mát cơ thể khi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Tuy nhiên, tiết quá nhiều mồ hôi so với bình thường có nghĩa là cơ thể đang quá nóng và lúc này bạn cần giảm cường độ tập và nghỉ ngơi.
Nếu thời tiết không phải là nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi, bạn nên đi khám để kiểm tra liệu có điều gì bất thường hay không.
(Nguồn: CDC, US News)