Tim và tuyến tiền liệt là hai cơ quan này nằm cách xa nhau, đảm nhiệm những chức năng rất khác nhau. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra hai cơ quan này có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
- Nơi bẩn nhất trong phòng làm việc, chứa ổ vi khuẩn gấp 400 lần bồn cầu
- Vì sao ngủ đủ 8 tiếng nhưng đi làm vẫn “gật gà gật gù”?
Theo một nghiên cứu do chuyên san y khoa Lancet (Anh), ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới tại hơn 100 quốc gia. Phần lớn các trường hợp mắc ung thư tuyến tiền liệt là nam giới lớn tuổi. Khoảng 3/4 số ca tử vong do ung thư tuyến tiền liệt là bệnh nhân trên 75 tuổi, theo Loyola Medicine.
Với tốc độ già hóa dân số toàn cầu tăng lên nhanh chóng, số ca mắc ung thư tuyến tiền liệt trên toàn cầu sẽ tăng mạnh trong 15 năm tới. Báo cáo dự đoán số ca mắc mới hằng năm sẽ tăng từ 1,4 triệu người vào năm 2020 lên 2,9 triệu vào năm 2040, tức là khoảng 330 nam giới được chẩn đoán mắc bệnh mỗi giờ. Đồng thời, các chuyên gia cho biết số ca tử vong trên toàn thế giới được dự đoán sẽ tăng 85% trong 2 thập niên tới, từ 375.000 ca vào năm 2020 lên 700.000 ca vào năm 2040.
Ảnh minh họa
Trong giai đoạn đầu, ung thư tuyến tiền liệt có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Khi đến giai đoạn tiến triển, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, tiểu yếu, tiểu đêm, tiểu ra máu cùng một số triệu chứng tiết niệu khác.
Ngoài ra, đau nhức cơ thể, đặc biệt là ở hông, cột sống hoặc xương sườn, có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Đặc biệt, một triệu chứng khác của ung thư tuyến tiền liệt mà nhiều người không biết, đó là nhịp tim tăng nhanh, theo chuyên trang Medical News Today.
Nhịp tim của chúng ta thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như lượng caffein hấp thụ, mức độ căng thẳng, tác dụng phụ của thuốc hay cường độ vận động. Tuy nhiên, nhịp tim ở trạng thái nghỉ ngơi sẽ rơi vào khoảng 60 - 100 nhịp/phút.
Nghiên cứu công bố trên chuyên san Annals of Epidemiology đã theo dõi sức khỏe của hơn 2.400 nam giới trong suốt hơn 5 năm để tìm ra mối liên hệ giữa sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt và tăng huyết áp, nhịp tim và việc sử dụng thuốc hạ huyết áp. Không có mối quan hệ nào giữa huyết áp và ung thư tuyến tiền liệt trong khi việc sử dụng thuốc hạ huyết áp được phát hiện là làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, người ta đã tìm thấy mối liên hệ giữa ung thư tuyến tiền liệt và nam giới có nhịp tim khi nghỉ ngơi. Các nhà nghiên cứu phát hiện những người mắc ung thư tuyến tiền liệt có nhịp tim khi ở trạng thái nghỉ ngơi là 80 nhịp/phút. Trong khi đó, con số này ở người khỏe mạnh là chỉ ở mức dưới 60 nhịp/phút.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, một nghiên cứu khác trên chuyên san Journal of the American College of Cardiology đã xem xét dữ liệu sức khỏe từ hàng triệu bệnh nhân được thu thập từ năm 2012 đến năm 2015, phát hiện một số loại ung thư sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng rung tâm nhĩ. Đây là tình trạng mà nhịp tim người mắc đập nhanh hoặc mạnh một cách bất thường.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Muhammad Khan, cho biết; “Ung thư tuyến tiền liệt, ruột kết và phổi làm tăng khoảng 50% nguy cơ mắc rung tâm nhĩ. Trong đó, nguy cơ cao nhất trong 3 loại ung thư này thuộc về ung thư tuyến tiền liệt.”
Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có khả năng là do 3 loại ung thư này đã làm gia tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Hệ quả là tác động tiêu cực đến tim.
Các chuyên gia khuyến cáo những người có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt như nhóm nam giới cao tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, chế độ ăn uống thiếu khoa học, lối sống không lành mạnh cần khám sức khỏe định kỳ. Phát hiện sớm sẽ giúp tăng đáng kể khả năng điều trị khỏi bệnh.