Bệnh tiểu đường type 2 có thể diễn ra từ từ và có các triệu chứng nhẹ ở giai đoạn đầu. Nắm được những dấu hiệu, triệu chứng này sẽ giúp bạn sớm phát hiện bệnh tiểu đường type 2.
- Không phải cân nặng, đây mới là 9 chỉ số đánh giá sức khoẻ
- Cốc nước uống có vị ngọt cay nhưng là "liều thuốc" kiểm soát đường huyết cực tốt, giá rẻ bèo chợ nào cũng bán
Dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường type 2
Theo BS. Hồ Mai Hương, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường là:
1. Đi tiểu thường xuyên
Khi lượng đường trong máu cao, thận sẽ phải làm việc hết sức để loại bỏ đường dư thừa bằng cách lọc nó ra khỏi máu.
Điều này khiến bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt vào ban đêm.
2. Khát nước
Việc đi tiểu thường xuyên là cần thiết để loại bỏ lượng đường dư thừa trong máu và nó có thể khiến cơ thể mất thêm nước.
Theo thời gian, điều này có thể gây mất nước và khiến bạn cảm thấy khát nước hơn bình thường.
3. Thường xuyên đói
Những người mắc bệnh tiểu đường thường không nhận đủ năng lượng từ thức ăn của họ.
Hệ thống tiêu hoá phân huỷ thức ăn thành một loại đường đơn giản gọi là glucose, mà cơ thể sử dụng làm nhiên liệu.
4. Mệt mỏi
Bệnh tiểu đường type 2 có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng của bạn và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Mệt mỏi do tiểu đường xảy ra do không đủ đường di chuyển từ máu vào các tế bào của cơ thể.
5. Mờ mắt
Lượng đường dư thừa trong máu có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ, gây mờ mắt. Điều này có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 mắt.
Lượng đường trong máu cao cũng có thể dẫn đến đục thuỷ tinh thể, gây mờ mắt, nhưng sẽ cải thiện khi lượng đường trong máu giảm.
Nếu một người mắc bệnh tiểu đường không được điều trị, tổn thương các mạch máu này có thể trở nên nghiêm trọng và mất thị lực vĩnh viễn có thể sẽ xảy ra.
6. Vết thương chậm lành
Lượng đường cao trong máu có thể làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu của cơ thể, từ đó làm suy giảm quá trình lưu thông máu.
Do đó, ngay cả những vết thương nhỏ cũng có thể mất hàng tuần hoặc hàng tháng để lành lại. Vết thương chậm lành cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
7. Tê bì bàn tay, bàn chân
Lượng đường trong máu cao ảnh hưởng đến sự lưu thông máu và làm tổn thương dây thần kinh.
Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, điều này có thể dẫn đến đau hoặc cảm giác ngứa ran hoặc tê ở bàn tay, bàn chân. Tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên.
Nó có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn nếu người bệnh không được điều trị.
8. Những vùng da sẫm màu
Các vùng da sẫm màu hình thành trên các nếp nhăn ở cổ, nách hoăc bẹn cũng có thể là do bệnh tiểu đường.
Tình trạng da này được gọi là bệnh gai đen.
9. Ngứa và nhiễm trùng nấm men
Lượng đường dư thừa trong máu và nước tiểu cung cấp thức ăn cho nấm men, có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Nhiễm trùng nấm men có xu hướng xảy ra ở những vùng da ấm và ẩm ướt, như miệng, vùng sinh dục và nách.
Các khu vực bị ảnh hưởng thường ngứa, nhưng cũng có thể bị bỏng, đổi màu da và đau nhức.
Vì sao cần phát hiện sớm bệnh tiểu đường type 2?
Bất kỳ ai gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng có thể có của bệnh tiểu đường nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Việc phát hiện và điều trị sớm có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Nếu không điều trị, lượng đường trong máu cao kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi đe doạ tính mạng, như:
Bệnh tim
Đột quỵ
Tổn thương thần kinh hoặc bệnh thần kinh
Các vấn đề ở chân
Bệnh thận, thậm chí có thể phải lọc máu
Bệnh về mắt hoặc mất thị lực
Vấn đề về tình dục