Dù chỉ uống có vài chén rượu, khuôn mặt của bạn đã ửng đỏ. Phản ứng này được cho là có liên quan đến nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư thực quản ở đàn ông Đông Á.
- Kỷ lục 'sốc' về rượu bia ở Việt Nam: Mỗi năm 79.000 người chết, thiệt hại 65.000 tỷ đồng
- Uống rượu bia thường xuyên: 5 cơ quan nội tạng "bốc hơi" đáng giật mình
Theo từ chuyên môn, tình trạng mặt đỏ lên sau khi bạn uống vài ly rượu được gọi là phản ứng xả cồn. Những người có phản ứng xả cồn khi uống rượu bia có thể có một phiên bản lỗi của gen aldehyd dehydrogenase 2 (ALDH2).
Cơ chế phân giải rượu của cơ thể diễn ra tại gan qua 2 công đoạn. Đầu tiên enzyme alcohol dehydrogenase hỗ trợ chuyển hóa cồn (ethanol) thành một chất hóa học độc hại acetaldehyde.
Sau đó, enzym ALDH2 trong cơ thể phân giải acetaldehyde thành axit axetic một chất vô hại là thành phần chính của giấm ăn.
Acetaldehyde sinh ra cũng là nguyên nhân khiến bạn có cảm giác choáng, đỏ mặt và nhiều triệu chứng khác nữa mỗi lần uống rượu bia.
Đối tượng nào dễ bị phản ứng xả cồn hơn?
Các nhà khoa học ước tính rằng có ít nhất 540 triệu người trên toàn thế giới bị thiếu hụt ALDH2. Người Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc thường có xu hướng bị phản ứng xả cồn. Ước tính khoảng 70% người Châu Á từng bị triệu chứng này sau khi uống rượu bia.
Thực tế, hiện tượng mặt đỏ thường được gọi là "cơn giận châu Á". Nguyên nhân có thể là do di truyền, từ bố hoặc cả bố và mẹ.
Cơ chế hoạt động như thế nào?
ALDH2 thường hoạt động để phá vỡ acetaldehyde. Khi một sự thay đổi di truyền ảnh hưởng đến enzyme này, nó không hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Sự thiếu hụt ALDH2 khiến acetaldehyde tích tụ quá nhiều trong cơ thể. Quá nhiều acetaldehyde có thể khiến bạn không dung nạp với rượu.
Đỏ mặt là một triệu chứng, nhưng những người mắc bệnh này cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như nhịp tim đập nhanh, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa.
Có nguy hiểm không?
Mặc dù việc xả cồn này là không có hại, nhưng đó có thể là dấu hiệu cảnh báo các rủi ro khác.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013 cho thấy những người bị đỏ mặt sau khi uống rượu bia có nguy cơ cao bị huyết áp cao hơn.
Các nhà khoa học đã xem xét 1.763 đàn ông Hàn Quốc và phát hiện ra rằng "những người xả cồn" đã uống hơn 4 loại đồ uống có cồn/tuần có nguy cơ bị huyết áp cao hơn so với những người không uống rượu.
Nhưng "những người không xả cồn" có nhiều khả năng bị huyết áp cao nếu họ uống hơn 8 ly/tuần. Bị huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Năm 2017, một đánh giá về 10 nghiên cứu khác nhau cho thấy phản ứng đỏ mặt với rượu có liên quan đến nguy cơ ung thư cao hơn, đặc biệt là ung thư thực quản ở đàn ông Đông Á. Nó không liên quan đến nguy cơ ung thư ở phụ nữ.
Một số bác sĩ tin rằng triệu chứng xả cồn có thể hữu ích trong việc xác định những người có nguy cơ mắc các bệnh này.
Làm sao để tránh được phản ứng xả cồn?
Cách duy nhất để ngăn ngừa tình trạng đỏ bừng mặt sau khi uống rượu là tránh hoặc hạn chế tiêu thụ rượu. Đây có thể là một ý tưởng hay, ngay cả khi bạn không có vấn đề gì với việc đỏ mặt.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân gây ra cái chết cho 5% dân số trên toàn thế giới. WHO cũng tuyên bố rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác.
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ phát triển một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm: một số loại bệnh ung thư, huyết áp cao, tim mạch, đột quỵ, giảm trí nhớ, các vấn đề tiêu hóa.
Lưu ý
Đôi khi, mặt đỏ lên khi uống rượu bia là tín hiệu tốt, báo hiệu cho bạn biết đã đến lúc ngừng uống để bảo vệ sức khỏe.