Dù lòng là món ăn khoái khẩu của nhiều người Việt Nam nhưng lại cực kì khó chế biến. Nếu bạn chế biến sai cách sẽ khiến lòng có mùi, thâm đen và dai nhách không thể thưởng thức được!
- Mẹo sử dụng điều hòa tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng mà vẫn mát rười rượi
- Bật điều hòa ô tô thế nào để tiết kiệm nhiên liệu?
Lòng là món ăn cực kì thích hợp để 'nhâm nhi' cùng bia hoặc rượu trong bữa tối của cánh đàn ông. Để có được một đĩa lòng khiến ông chồng khó tính nhất cũng phải 'gật gù khen ngon' thì bạn phải làm thật kĩ mọi công đoạn và đừng quên cho thêm một thứ này theo bí quyết dưới đây hướng dẫn nhé!
Kĩ lưỡng từ khâu chọn lòng
Lòng non của lợn hay bị đắng nên khi mua bạn nên đi chợ sớm, chọn loại lòng đầu, cuống bé, ống ruột căng và tròn, màu trắng hồng, chất dịch bên trong màu trắng sữa.
Những đoạn lòng mỏng dẹt, chất dịch bên trong màu vàng, to, đặc biệt loại lòng có lẫn các tia máu thì sẽ dai và đắng.
Cách làm sạch lòng đúng cách
Chị em cần chú ý một lỗi phổ biến khi sơ chế lòng là tuốt lòng quá kỹ. Không nhất thiết phải lộn ruột để rửa sạch hoặc bóp qua bóp lại với muối, rượu, gừng. Càng tác động nhiều, lòng sẽ càng dai, mất hết ngon. Riêng với lòng non, chỉ nên xả qua dưới vòi nước vào đoạn lòng cho mất dịch bên trong, rồi rửa lại là được, hoặc tuốt qua. Làm vậy luộc xong nó mới căng tròn.
Có một bí quyết cực kỳ đơn giản là bạn hãy dùng bột mì để làm sạch lòng. Cách làm như sau:
Lòng heo lộn trái, bỏ hết lớp màng mỡ. Dùng bột mì trộn với một chút muối bóp kỹ, rửa dưới vòi nước sạch. Cuối cùng, dùng chanh xát vào lòng heo để làm sạch chất bẩn còn sót lại. Nếu làm theo cách này, sau khi luộc lòng heo sẽ thơm và có màu trắng ngon mắt.
Nguyên liệu để luộc lòng
1kg lòng lợn ngon
2 quả chanh
1 nhánh gứng
3 cây sả
1 chút giấm
1 chút muối hạt
1 ít rau húng ăn kèm
Cách sơ chế lòng trắng, giòn sần sật mà lại không có mùi hôi
Sơ chế để luộc
Lòng non cắt thành các đoạn nhỏ khoảng 30-35 cm, giúp sơ chế được sạch và khi luộc lòng chín đều. Cho lòng vào chậu thêm hai thìa canh giấm, một thìa canh muối hạt, dùng tay bóp nhẹ đều cho ra bớt phần dịch bên trong. Không ken kỹ hay tuốt vì sẽ làm cho lòng bị dai.
Sau đó, rửa sạch (chú ý không bóp mạnh). Nếu không thích ăn phần mỡ bám vào lòng thì cắt bỏ. Tiếp tục cho lòng vào chậu, vắt một quả chanh, đập vài lát gừng ngâm 15 – 20 phút cho lòng sạch, thơm. Có thể, nấu một ít nước sôi, cho ruột non vào chần sơ 15 giây rồi vuốt nhẹ cho ra bớt dịch trắng.
Tiến hành luộc
Chuẩn bị 1 bát nước nguội có pha vài giọt chanh.
- Đun nước sôi mạnh rồi mới thả lòng vào. Bước này là bước quyết định lòng có ngon hay không. Nhiều người hay thả lòng vào nước lạnh rồi mới đun sôi, như thế khiến lòng dễ bị dai. Nếu bạn thả lòng vào nước đang sôi sẽ khiến lòng vừa chín tới và giòn tan.
Bạn nên cho thêm chút gừng để thơm hơn. Khi nước sôi lại, lòng chuyển sang màu hồng, để thêm 2-3 phút thì vớt ra. Nên nhớ lòng càng luộc lâu sẽ càng dai. Thường tổng thời gian từ khi cho lòng vào nồi nước sôi đến lúc với ra khoảng 7-10 phút (tùy số lượng nguyên liệu nhiều hay ít).
Vớt lòng sau khi luộc xong
Sau khi lòng chín, vớt lòng ra thả ngay vào bát nước đá có vắt chanh (một số người pha phèn chua hoặc dấm gạo cũng được). Nhớ là nước phải ngập lòng. Việc làm lạnh đột ngột cùng với vị chua sẽ giúp lòng trở nên trắng giòn. Ngâm cho lòng nguội rồi vớt ra thái ăn. Nhiều người để an tâm hơn, sau khâu ngâm nước đá có thể nhúng lại vào bát nước đun sôi để nguội, tuốt bỏ các dịch vẫn còn bên trong. Ăn kèm rau húng, chấm nước mắm cốt pha gừng, ớt, chanh. Miếng lòng trắng, giòn rụm, thơm ngon.
Những điều cần chú ý khi luộc lòng
Lỗi phổ biến của các bà nội trợ khi chế biến lòng non là tuốt quá kỹ, khiến lòng luộc lên bị dai và mất hết vị ngọt. Thực ra với lòng non, bạn chỉ cần tuốt nhẹ thôi, còn đoạn lòng rất non thì thậm chí bạn không cần bóp nặn gì cả, chỉ rửa rồi luộc, khi chín tới nó sẽ căng và rất giòn, ngọt.
Bạn hãy đun sôi nước, nêm chút gia vị trước khi thả lòng vào. Với lòng non, chỉ cần sôi lại vài phút là có thể tắt bếp. Vớt ra, cho ngay vào âu nước sôi để nguội có pha phèn chua và mấy cục đá lạnh, khi nào ăn thì vớt ra. Phèn chua cùng với việc làm lạnh đột ngột này giúp lòng trở nên trắng và giòn. Nếu không ăn ngay mà bạn vẫn để lòng lên đĩa, món ăn sẽ bị khô, sẫm màu và dai.
Một số người tăng độ giòn cho lòng bằng cách cho vào cái chảo không, khi thấy sôi lên thì đảo lại, cho lòng hơi săn lại thì đưa xuống xả bằng nước lạnh, rồi cho vào nước sôi để luộc, sau đó ngâm như trên.
Với dạ dày, vì có phần mỏng và phần dày nên tốt nhất bạn cắt riêng chúng ra, khi luộc vớt phần mỏng ra trước. Ngay cả đoạn dày, bạn cũng chỉ cần cho sôi vài phút rồi tắt bếp, để một lát nữa rồi ngâm nước lạnh pha phèn.
Tóm lại, điều cần lưu ý nhất là bạn luộc nhanh, khi lòng vừa chín tới là vớt ra ngay vì chỉ cần chậm một chút là sẽ bị dai.