Dù đã trải qua 6 lần sinh mổ với 3 bé trai, 3 bé gái khỏe mạnh nhưng vợ chồng chị H. vẫn quyết định có thêm con ở tuổi 41.
- Na vào mùa thơm ngọt, bổ dưỡng: Điểm danh 10 công dụng bất ngờ mà mẹ bầu chớ nên bỏ lỡ
- 6 hiểu lầm tai hại về quá trình mang thai và sinh con
Hy hữu, sinh mổ lần thứ 7 ở tuổi 41
Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, ê-kíp bác sĩ mới thực hiện ca mổ bắt con thành công cho thai phụ Đ.T.T.H (41 tuổi, ở Hà Nội), với một bé trai chào đời nặng 3.1kg, hoàn toàn khỏe mạnh.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 7 sản phụ H sinh con, trong đó có 6 lần mổ đẻ và 1 lần mổ phụ khoa. Được biết, 7 đứa con của chị H, có 3 bé gái và 4 bé trai, tất cả đều phát triển bình thường, khỏe mạnh.
Sau ca sinh mổ vài ngày, chị H cho biết, hiện sức khỏe của hai mẹ con rất tốt, vết mổ lành nhanh, tâm lý của chị rất vui vẻ và yên tâm. Nói về động lực sinh mổ tới 7 lần, chị H chia sẻ, do gia đình thích đông con và những lần mang thai trước đều khỏe mạnh nên hai vợ chồng tiếp tục sinh bé thứ 7.
“Lần này mình bị tiểu đường thai kỳ nên cũng khá lo lắng. Khả năng kinh tế của mình thì có thể chọn nhiều viện tư, viện quốc tế đắt đỏ hơn, nhưng mình tin tưởng nhất vào chuyên môn của Phụ sản Trung ương” – chị H tâm sự về trải nghiệm những ngày ở bệnh viện.
Trao đổi về trường hợp đặc biệt này, TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết: “Ba mươi lăm năm làm nghề sản khoa đây là lần thứ 2 tôi thực hiện ca mổ hy hữu có số lần mổ đẻ nhiều đến thế. Hồi đó là năm 1996, mới vào nghề, tôi lúc đó đang là bác sĩ Nội trú tại Cộng hòa Pháp và tôi đã mổ lấy thai cho 1 phụ nữ Châu Phi mổ đẻ lần thứ 7”.
Theo bác sĩ Ánh, đẻ thường đã là nguy hiểm, còn sản phụ này mổ đẻ đến 7 lần là 1 trường hợp rất hiếm.
“Trước 1 ca đặc biệt, tôi cũng rất quan tâm làm sao để tốt cho mẹ và bé, rất vui ca mổ đã thành công, em bé chào đời khóc to, hồng hào”, bác sĩ Ánh thông tin.
Sinh mổ nhiều lần đối diện với nguy cơ gì?
Theo các bác sĩ, thông thường, khi người mẹ mang thai nhiều lần đã có thể ảnh hưởng sức khỏe của sản phụ và phát triển của thai nhi. Đặc biệt là càng nguy hiểm với những sản phụ sinh bằng phương pháp sinh mổ. Những biến chứng sản khoa luôn tiềm ẩn, thậm chí là gây nguy hiểm đến cả tính mạng của sản phụ và thai nhi.
Khi sản phụ có tiền sử vết mổ đẻ cũ, mang thai nhiều lần nguy cơ thai bám vào vết mổ cũ của tử cung. Đây cũng là một trong những dạng mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm bởi nếu không phát hiện sớm khi thai còn nhỏ để kịp thời xử lý sẽ gây ra nhiều nguy hiểm như vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt phải cắt tử cung và có thể nguy hiểm tính mạng. Bên cạnh đó mổ lấy thai nhiều lần làm tăng nguy cơ rau tiền đạo gây sinh non, chảy máu ồ ạt nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ.
Thai phụ chỉ nên sinh mổ trong các trường hợp bắt buộc
- Mẹ sinh đôi hoặc đa thai.
- Gặp biến chứng thai kỳ như nhau tiền đạo, nhau bong non, tiền sản giật, suy thai, sa dây rốn, ...
- Mẹ đã từng sinh mổ trong lần sinh trước.
- Mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh thận, cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ...
- Thai nhi quá to không thể sinh thường.
- Thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
- Ngôi thai không thuận hoặc ngôi thai quá cao.
- Sinh non.
- Mẹ có khung xương chậu nhỏ, hẹp.