Bà bầu nên ăn uống như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng và tăng đề kháng phòng COVID-19?

Mẹ bầu 15/05/2020 05:00

Một chế độ ăn uống đầy đủ và đúng cách sẽ giúp mẹ bầu có sức đề kháng tốt, tránh mắc dịch bệnh, giúp con yêu phát triển khỏe mạnh.

Dưới đây là những khuyến cáo của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam dành cho phụ nữ có thai trong mùa dịch bệnh COVID-19 để giúp mẹ và bé khỏe mạnh, phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.

Mẹ bầu nên ăn những loại thực phẩm nào để phòng ngừa COVID-19 hiệu quả?

Tùy theo tình trạng sức khỏe và cân nặng trước khi có thai, trung bình người mẹ (phụ nữ mang thai, thai phụ) nên tăng từ 10 - 12 kg trong cả thai kỳ.

Dinh dưỡng cho thai nhi (con) phụ thuộc rất nhiều vào dự trữ dinh dưỡng của mẹ cũng như các chất dinh dưỡng mẹ ăn vào, qua nhau thai sẽ nuôi dưỡng thai nhi phát triển từng ngày.

Một chế độ dinh dưỡng đủ, đúng sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt, tránh mắc bệnh, bảo vệ con, giúp con phát triển tối ưu nhất, là nền tảng cho sức khỏe sau khi sinh ra.

Thức ăn giàu đạm, vitamin và chất khoáng giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, cơ thể khỏe mạnh và phòng chống các bệnh nhiễm trùng.

Bà bầu nên ăn uống như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng và tăng đề kháng phòng COVID-19? - Ảnh 1

Một chế độ ăn uống đa dạng thực phẩm sẽ giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa

Theo đó, mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm sau:

- Phụ nữ mang thai nên ăn đầy đủ các thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, trứng, hải sản, sữa, các loại đậu đỗ...), nên chọn nguyên liệu tươi ngon và nấu chín kỹ.

Protein rất cần cho cấu trúc các cơ quan của thai nhi cũng như cần cho miễn dịch của mẹ. Thức ăn giàu đạm cũng thường giàu sắt, kẽm, vitamin B12, selen là những chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong hoạt động của tế bào miễn dịch.

- Mẹ cần được cung cấp đầy đủ canxi, phospho để giúp hình thành bộ xương chắc khỏe cho thai nhi và tránh mất xương cho mẹ. Sữa, chế phẩm sữa, cua đồng, hải sản là những thực phẩm giàu canxi, đồng thời cũng giàu đạm và các chất dinh dưỡng khác, nên được sử dụng thường xuyên trong suốt thai kỳ.

- Rau tươi, trái cây tươi cũng là nguồn vitamin C, Beta-caroten và chất xơ dồi dào giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.

- Nên thay thế các thức ăn trong cùng 1 nhóm chất dinh dưỡng để đa dạng khẩu phần ăn, nhất là khi bị nghén. Mỗi bữa ăn nên có khoảng 10 loại thực phẩm khác nhau và trong ngày nên có 20 - 25 loại thực phẩm khác nhau.

- Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Các hoạt động trong cơ thể, các phản ứng chuyển hóa các chất đều cần có nước. Hệ thống lông chuyển hô hấp và lớp màng nhầy hô hấp cũng cần có đầy đủ nước mới hoạt động hiệu quả và là chốt chặn đầu tiên giúp bắt giữ và thải loại virus, vi khuẩn ngay khi chúng xâm nhập vào đường hô hấp.

Bà bầu nên ăn uống như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng và tăng đề kháng phòng COVID-19? - Ảnh 2

Bà bầu nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều muối và đường để tốt cho cả mẹ và bé. Ảnh minh họa

Những thực phẩm mẹ bầu nên tránh để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ

Mẹ bầu nên tránh những thực phẩm không an toàn, có nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa.

Thực phẩm tái sống, có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Cá biển loại lớn hoặc các loại cá, lươn sống trong bùn do nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng (thủy ngân, chì...).

Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực phẩm đóng gói sẵn, có chất bảo quản hoặc tẩm ướp màu không đảm bảo.

Rượu, bia và các chất kích thích khác…

Thức ăn có quá nhiều đường và muối.

Ngoài ra, một số thói quen lành mạnh trong thai kỳ cần duy trì để giúp mẹ khỏe mạnh và tăng cường miễn dịch phòng chống bệnh tật gồm:

- Mẹ nên thường xuyên tắm nắng mỗi ngày để giúp cơ thể tổng hợp vitamin D hỗ trợ sự phát triển hệ xương cho thai nhi.

- Mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ mỗi ngày, tập thở đúng cách để sinh nở dễ dàng hơn, không nên làm việc quá sức hoặc thức quá khuya cũng ảnh hưởng đến cân nặng và trí não của thai nhi.

- Giữ tinh thần thoải mái, không căng thẳng, áp lực hay cáu gắt…

Bà bầu ăn hạt mè khi mang thai có an toàn không?

Có nhiều người tin rằng hạt mè (vừng) gây ảnh hưởng không tốt tới mẹ bầu và thai nhi. Vậy, ăn hạt mè khi mang thai có an toàn không? Lợi ích và rủi ro của chúng là gì?

TIN MỚI NHẤT