Hơn 13h ngày 28/3, một trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở phía tây thành phố Mandalay, Myanmar. Trận động đất lớn gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
- Nhiều người dân sống chung cư TP.HCM hoảng loạn vì động đất: Nhà rung chuyển, người chóng mặt như bị tụt huyết áp
- Va chạm ô tô khách, vợ tử vong tại chỗ, chồng bị thương nhập viện
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), động đất độ mạnh 7.0-7.9 được gọi là "lớn" (major), với khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng, đặc biệt nếu gần khu vực đông dân cư. Cơ quan này cũng ước tính khả năng cao thiệt hại về người nằm trong khoảng 1.000-10.000, và thiệt hại kinh tế 1-10 tỷ USD.
Tại TP.HCM và Hà Nội, khoảng 13h30 nhiều người dân sống trên các tòa chung cư, văn phòng thấy nhà rung chuyển, người chóng mặt như bị tụt huyết áp như động đất.
Ông Nguyễn Xuân Anh (Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu) cho biết trận động đất xảy ra ở Myanmar có cường độ rất mạnh, nên người dân ở các toà nhà cao tầng tại Hà Nội và TP.HCM dễ cảm nhận được.
“Trận động đất rất lớn nên tầm ảnh hưởng hàng trăm km là bình thường”, ông Xuân Anh lý giải vì sao ở vị trí xa tâm chấn như TP.HCM cảm nhận được rung lắc và cho biết Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi.


Theo thông tin từ Tri Thức - Znews, sức mạnh động đất được đo bằng độ mạnh (magnitude), một con số biểu thị lượng năng lượng giải phóng tại nguồn. Độ mạnh khác với cường độ, vốn mô tả mức độ rung lắc tại một địa điểm cụ thể, phụ thuộc vào khoảng cách và địa chất.
Các nhà khoa học sử dụng các thang đo khác nhau cho động đất để đảm bảo độ chính xác. Thang Richter được dùng cho động đất nhỏ, còn thang moment dùng cho động đất lớn.
Thang Richter, do Charles F. Richter phát triển năm 1935, ban đầu dùng để đo động đất địa phương tại California. Nó dựa trên biên độ (chiều cao) của sóng địa chấn lớn nhất ghi được trên kí tốc kế Wood-Anderson, sau khi điều chỉnh khoảng cách từ tâm chấn.
Thang này được tính theo logarit, nghĩa là mỗi đơn vị tăng lên (ví dụ, từ 5 lên 6) tương ứng với gấp 10 lần biên độ sóng và gấp khoảng 31,6 lần năng lượng giải phóng. Tuy nhiên, thang Richter chỉ chính xác cho động đất nhỏ đến trung bình (dưới độ mạnh 7) và không phù hợp cho động đất lớn do hiện tượng bão hòa.

Hiện nay, thang độ mạnh moment (Mw) được ưa chuộng, đặc biệt cho động đất lớn, dựa trên moment địa chấn, tính từ diện tích lỗi vỡ và lượng trượt. Nó không bị bão hòa như thang Richter, nên chính xác hơn cho động đất độ mạnh 8 trở lên. Hiện thang moment là tiêu chuẩn toàn cầu, giúp đo lường chính xác hơn các sự kiện lớn.
Ví dụ, trận động đất Chile 1960, được coi là động đất mạnh nhất từng được loài người ghi lại có độ mạnh theo thang Richter là 8,6, nhưng độ mạnh moment là 9,5.
Thang moment cũng được tính theo logarit. Trận động đất có độ mạnh 7,7 sẽ lớn gấp hơn 5 lần so với trận có độ mạnh 7.
Để tách bạch, độ mạnh của động đất theo thang Richter thường được chú thích đơn vị là ML, còn thang moment thường chú thích là M, Mw hoặc Mwg.