Sau khi bị ong vò vẽ đốt, bé được người dân đưa đến bệnh viện địa phương để sơ cứu, chuyển bệnh viện khu vực trong tình trạng lừ đừ, nổi mề đay.
- Cháu bé sống sót sau vụ lũ quét thôn làng Nủ: Bé đã bớt hoảng loạn, níu tay bác sĩ, trò chuyện với bà ngoại
- Hoàn cảnh éo le của sản phụ tử vong trên đường tới bệnh viện: Chồng mắc bệnh tâm thần phân liệt, 4 con thơ còn đi học
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, ngày 13/9, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho biết, khi nhập viện, bé N.M.K (7 tuổi, ngụ tại Kiên Giang) li bì, ngủ gà, thở co kéo 38 lần/phút, mạch 120 lần/phút, huyết áp 100/70 mmHg, vàng da vàng mắt, tiểu ít màu vàng sậm. Trên cơ thể bé có khoảng 70 vết ong đốt, đầu mặt cổ, ngực, tay chân có vài nốt đốt có hoại tử trung tâm, sưng bầm tím xung quanh.
Xét nghiệm bé K. có biểu hiện toan hóa máu, tổn thương thận, gan... Bé được chẩn đoán ong vò vẽ đốt 70 vết giờ thứ 11, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, được xử trí đặt nội khí quản giúp thở, dịch truyền, kháng sinh, vitamin K1, hỗ trợ gan, tiến hành lọc máu cho bé và tiếp tục theo dõi điều trị tại khoa hồi sức.
Theo thông tin từ báo Người Lao Động, một trường hợp tương tự là nữ bệnh nhân T. (48 tuổi), bị ong vò vẽ đốt chi chít gần 20 mũi khắp cánh tay, đầu, vai. Bà T. bị nạn lúc đang đi bộ ngoài đường và bị tổ ong rớt trúng người. Các vết đốt sau đó sưng nề, khiến bà đau dữ dội, được gia đình khẩn cấp đưa đi cấp cứu.
Theo BSCK2 Nguyễn Tấn Phát, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, ong vò vẽ có nọc độc rất mạnh, khi bị đốt sẽ gây đau nhức, nổi mề đay, sốc phản vệ khó thở, tụt huyết áp; nặng hơn có thể trụy tim mạch, suy thận, tổn thương gan, rối loạn đông máu… Để phòng tránh, người dân nên cẩn trọng khi làm việc ngoài trời, đặc biệt nơi có nhiều cây cối, bụi rậm…