"Nhân sâm xanh" có hàm lượng vitamin A, C, magie, chất chống oxy hóa dồi dào, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tiểu đường, đột quỵ và bệnh tim mạch.
- Quả đu đủ vừa ngon ngọt vừa bổ dưỡng nhưng một số đối tượng này không nên ăn
- Quả mít vừa thơm lừng vừa bổ dưỡng nhưng một số đối tượng này không nên ăn kẻo 'mang bệnh' vào người
Theo BS Mai Việt (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), loại rau được coi là "nhân sâm xanh" chính là đậu bắp.
Đậu bắp hay đậu nhớt rất dễ trồng, hầu như có quanh năm, giá rẻ. Tuy nhiên, nhiều người không biết tới những giá trị tuyệt vời của nó. Nó được ví như "nhân sâm xanh", sử dụng nhiều trong y học truyền thống với những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời.
Theo WebMD, đậu bắp được ghi nhận là loại rau giàu dinh dưỡng nhờ hàm lượng vitamin A, C, magie, chất chống oxy hóa dồi dào. Chúng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như ung thư, tiểu đường, đột quỵ và bệnh tim mạch.
BS Mai Việt khuyên người dân nên thường xuyên ăn loại rau này vì những công dụng vô cùng tuyệt vời.
5 lợi ích sức khỏe của đậu bắp được chuyên gia dinh dưỡng công nhận
1. Hạ đường huyết
Chất nhầy do đậu bắp tiết ra rất tốt, nó chứa pectin và mucin hòa tan trong nước. Chúng có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường, giảm nhu cầu insulin của cơ thể, ức chế sự hấp thụ cholesterol và cải thiện lipid máu, hỗ trợ tốt cho giảm cân.
2. Bảo vệ dạ dày
Đậu bắp có chứa pectin, galactan… có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, điều trị viêm và loét dạ dày. Chất mucin do nó tiết ra cũng có tác dụng bảo vệ đường ruột và dạ dày. Chất nhớt dính tự nhiên, là thức ăn rất tốt cho hệ vi sinh vật đường ruột.
3. Ngừa ung thư
Đậu bắp chứa chất chống oxy hóa gọi là polyphenol (vitamin A và C). Nó cũng chứa một loại protein gọi là lectin, có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở người. Các nghiên cứu sử dụng các hợp chất cô đặc từ đậu bắp cho thấy, chúng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú lên đến 63%.
4. Tốt cho tim mạch, mỡ máu
Mức cholesterol cao có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim. Đậu bắp có chứa một chất dạng gel đặc gọi là chất nhầy. Chúng có thể liên kết với cholesterol trong quá trình tiêu hóa, khiến nó được thải ra ngoài theo phân chứ không được hấp thụ vào cơ thể.
5. Bổ sung canxi, giúp xương chắc khỏe
Đậu bắp không chỉ chứa hàm lượng canxi tương đương với sữa tươi mà còn tồn tại dưới dạng chất hữu cơ, có tỷ lệ hấp thu cao hơn sữa nên là nguồn cung cấp canxi lý tưởng. Chúng cũng cung cấp nhiều dinh dưỡng axit folic và các loại vitamin như vitamin A, vitamin C và vitamin K… Những thành phần này đều hỗ trợ giúp xương chắc khỏe, làm chuyển biến tích cực tình trạng đau khớp.
Mặc dù vậy, ăn đậu bắp quá nhiều có thể gây ảnh hưởng xấu cho một số người, theo WebMD.
Những đối tượng cần hạn chế ăn đậu bắp
1. Người có vấn đề đường tiêu hóa
Đậu bắp chứa fructans, là một loại carbohydrate. Fructans có thể gây tiêu chảy, đầy hơi, chuột rút ở những người đang gặp vấn đề về đường ruột. Do đó khuyến cáo người bệnh đường ruột nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu định thêm đậu bắp vào chế độ ăn hàng ngày.
2. Người bị sỏi thận
Đậu bắp chứa nhiều oxalat. Loại sỏi thận phổ biến nhất bao gồm canxi oxalate. Thực phẩm có hàm lượng oxalate cao, chẳng hạn như đậu bắp và rau bina, có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận ở những người đã từng mắc bệnh này.
3. Người bị đau nhức xương khớp
Đậu bắp chứa solanine. Đây là một hợp chất độc hại có thể gây đau khớp, viêm khớp và viêm kéo dài ở một số người. Khoai tây, cà chua, cà tím, quả việt quất và atisô cũng chứa solanine. Do đó cần ăn hạn chế những thực phẩm này.
4. Không tốt cho người đang sử dụng thuốc làm loãng máu
Vitamin K giúp đông máu và hàm lượng chất này dồi dào trong đậu bắp có thể ảnh hưởng đến những người sử dụng thuốc làm loãng máu.
Thuốc làm loãng máu giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông - nguyên nhân dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim. Ăn nhiều đậu bắp có thể khiến tình trạng bệnh thêm tồi tệ.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên, đậu bắp, giống như các loại rau khác, là một thực phẩm bổ sung lành mạnh cho chế độ ăn uống. Do đó cần ăn vừa phải và nên có chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng. Một số người nên nói chuyện với bác sĩ trước khi ăn để tránh tác dụng phụ.