Từng tự hào con ít ốm vặt, thế nhưng người mẹ không thể nào hiểu nổi vì sao con cứ ở nhà thì khỏe mạnh mà mỗi lần đi nhà trẻ là bị cảm sốt?
- Đứa trẻ nào cũng hay lè lưỡi, trông thì rất đáng yêu nhưng cũng có khi là biểu hiện bệnh cần lưu ý
- Vụ bé 14 tháng đi học buổi đầu tiên bị bầm tím mặt: Đã xác định nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm với 2 giáo viên
Nhiều cha mẹ phản ánh, bé cứ đi nhà trẻ là bị ốm. Đi nhà trẻ 30 ngày thì có 20 ngày bé phải uống thuốc. Thậm chí, có tháng phải xin phép cho con nghỉ ốm khoảng 10 ngày khiến các bậc cha mẹ vô cùng mệt mỏi.
Tiểu Lạc vốn là một cậu bé hoạt bát, ở nhà bé ít khi cảm sốt. Bé chưa tiêm phòng và hầu như ít uống thuốc. Mỗi khi cảm sốt, cậu bé chỉ cần giữ ấm, ngâm chân trong nước ấm và uống nhiều nước là khỏi bệnh. Mẹ của Tiểu Lạc luôn tự hào nghĩ rằng con có hệ miễn dịch khỏe mạnh và không giống những đứa trẻ khác thường ốm vặt.
Khi 3 tuổi, Tiểu Lạc được mẹ đưa đi nhà trẻ. Mới đi học được 3 ngày nhưng cậu bé đã bị cảm sốt. Mẹ cho cậu bé uống thuốc hạ sốt và ở nhà nghỉ ốm một ngày. Sau đó, Tiểu Lạc tiếp tục đi nhà trẻ. Mẹ bé cho rằng, con khó khăn lắm mới thích ứng với môi trường ở nhà trẻ, nếu cho con ở nhà nghỉ ốm quá lâu sẽ khiến con phải học cách thích ứng lần nữa.
Sau 1 tuần đi nhà trẻ, Tiểu Lạc lên cơn sốt lần nữa và đo nhiệt kế là 40 độ C. Bác sĩ cho biết cậu bé sốt do nhiễm khuẩn và cần phải nhập viện điều trị. Mẹ của Tiểu Lạc lo ngay ngáy và không thể nào hiểu nổi con ở nhà khỏe mạnh mà tại sao mỗi lần đi nhà trẻ là bị cảm sốt?
Trường hợp của Tiểu Lạc không phải chuyện hiếm. Hầu hết cha mẹ phản ánh con mình cũng rơi vào tình huống tương tự. Lúc mới đi nhà trẻ, các bé thường xuyên ốm vặt, khỏi lại ốm và phải nghỉ ở nhà liên tục.
Vì sao trẻ mới đi học lại hay bị ốm?
1. Vấn đề cảm xúc
Hầu hết các bé đều tỏ ra lo ngại, không vui vẻ, không tình nguyện khi đi nhà trẻ. Các bậc cha mẹ có thể dễ dàng nhận thấy tháng đầu tiên đi nhà trẻ thì bé đều khóc nhè, đến tháng thứ 2 thì tình hình mới khá hơn.
Lần đầu khi bước vào môi trường mới, thầy cô và bạn bè đều lạ lẫm khiến bé không quen và lo lắng. Tiếp theo, khi vào nhà trẻ, từ việc ăn uống, đi vệ sinh, ngủ nghỉ và chơi trò chơi đều phải tự thân vận động. Khả năng tự xử lý mọi việc của bé vẫn chưa tốt nên bé sẽ càng bất an. Điều sau cùng, lần đầu tiên xa mẹ cả ngày, bé sẽ rất nhớ mẹ và lo lắng về việc tách rời khỏi mẹ.
Các bác sĩ cho biết: "Cảm xúc không tốt sẽ tác động xấu đến hệ thống miễn dịch, nội tiết tố mất cân bằng nên khiến trẻ dễ mắc bệnh".
2. Lây nhiễm chéo
Mùa thu và mùa xuân chính là mùa dịch cúm bùng phát nên trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm khi đi nhà trẻ.
Có bậc phụ huynh hỏi rằng: "Tại sao bé ở nhà không bị cảm sốt, nhưng đi nhà trẻ là bé bị bệnh?". Bởi ở nhà số người ít nên người lớn không mắc bệnh thì khả năng truyền nhiễm là rất thấp, do đó bé cũng ít mắc bệnh. Ngay cả khi người lớn trong nhà mắc bệnh, họ cũng biết cách bảo vệ trẻ bằng cách hạn chế tiếp xúc để tránh mầm bệnh lây lan.
Môi trường ở nhà trẻ rất khác, trẻ thường tiếp xúc với các bạn bằng cách chơi đùa, nắm tay hoặc ôm nhau thân thiết. Nếu một trẻ bị bệnh và không cách ly kịp thời có thể xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo cho các bé trong lớp.
3. Môi trường thay đổi
Môi trường ở nhà và nhà trẻ khác nhau từ chế độ ăn, nghỉ ngơi, vệ sinh, nếu bé không chú ý thì rất dễ mắc bệnh.
Ở nhà, bé muốn ăn gì cũng có, chế độ ăn đa dạng phong phú. Không đợi bé khát nước, người nhà đã mang nước đến cho bé. Quy luật ngủ nghỉ của bé cũng không theo giờ giấc do nhiều cha mẹ thường thuận theo tính cách của con. Ngay cả chuyện đi vệ sinh, người nhà có thể thúc giục hoặc kiên nhẫn chờ đợi nên giảm thiểu được tình trạng bé đái dầm. Đồ chơi của bé cũng không tiếp xúc với các bé khác nên khả năng lây nhiễm là rất thấp.
Ở nhà trẻ, bữa ăn của các bé đều giống nhau, những bé kén ăn sẽ bỏ dở khẩu phần của mình. Nếu bé không uống nước, giáo viên cũng không ép. Nếu bé bỏ lỡ giấc ngủ trưa thì cũng rất khó để ngủ bù. Đồ chơi được các bé chơi chung với nhau nên khả năng lây lan mầm bệnh là rất cao.
Làm thế nào để giảm tỉ lệ trẻ mắc bệnh khi đi nhà trẻ?
1. Giải tỏa cảm xúc của bé
Khi bé thể hiện cảm xúc không vui khi đi nhà trẻ, các bậc phụ huynh cần quan tâm và theo dõi sát sao.
Rèn khả năng tự xử lý của bé khi ở nhà, chẳng hạn ăn uống, thay áo quần, đi vệ sinh hãy để bé tự làm. Hãy cho trẻ cảm nhận bản thân đã lớn, bé có thể tự hào khi tự xử lý một số việc của bản thân mà không cần trợ giúp của cha mẹ.
Khi đứa bé đi nhà trẻ, hãy ôm hôn bé. Khi đón bé về, cha mẹ nên dành nhiều thời gian ở bên giúp bé cảm nhận tình yêu thương và cảm giác an toàn.
2. Khuyến khích bé vận động
Vận động sẽ giúp các cơ và xương cốt thêm chắc khỏe, tăng cường khả năng hô hấp, thúc đẩy hệ thần kinh phát triển. Vận động nhiều sẽ tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế khả năng trẻ mắc bệnh.
Khi trẻ vận động, cha mẹ nên tạo cơ hội cho bé tiếp xúc với những bạn nhỏ khác. Điều này sẽ nâng cao khả năng giao tiếp và kết nối giữa bé và những người bạn.
3. Tạo thói quen sống lành mạnh
Quy luật ăn uống: Ở nhà, đúng giờ trẻ phải ngồi vào bàn ăn. Bữa ăn cần đa dạng và đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh tạo thói quen kén ăn ở trẻ. Không ép trẻ ăn quá nhiều, ăn no 8 phần là đủ. Nhắc bé đúng giờ phải uống nước, không vội vàng mang nước đưa tận tay cho bé.
Quy luật vệ sinh: Nhắc bé trước khi ăn phải rửa tay để tránh đưa mầm bệnh từ miệng vào cơ thể.
Quy luật nghỉ ngơi: Buổi tối, trước 10 giờ bé phải lên giường ngủ. Trẻ ngủ đủ giấc sẽ có tinh thần hưng phấn, ăn uống ngon miệng, hệ miễn dịch khỏe mạnh.