Việc trẻ chậm nói đôi lúc chỉ mang tính chất tạm thời, có thể mất đi nhờ sự trợ giúp từ gia đình. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải hết sức lưu ý để đồng hành cùng con trong quá trình phát triển ngôn ngữ.
- Con trai 6 tuổi đòi cầm dao trả thù khi bị bạn bắt nạt, cách mẹ xử lý khiến cô giáo cũng phải khen ngợi
- Tã xệ khiến bé đi hai hàng, chậm biết đi
Trẻ chậm nói là khi ngôn ngữ của bé phát triển có thể theo đúng trình tự, nhưng tốc độ chậm hơn. Rối loạn lời nói và ngôn ngữ được coi là dạng chậm phát triển phổ biến nhất, thường gặp hơn so với các dạng chậm phát triển khác. Bằng những hành động cụ thể của mình, cha mẹ có thể giúp trẻ cải thiện phần nào tình trạng này.
1. Xác định xem trẻ có thật sự chậm nói không
Trong giai đoạn trẻ tập đi, cha mẹ có thể căn cứ vào một số biểu hiện như sau để xác định xem bé có chậm nói hay không:
- Trẻ không tìm cách giao tiếp với người khác (trong khi những em bé khác đã bắt đầu sử dụng âm thanh, cử chỉ hay lời nói), kể cả khi cần giúp đỡ hay mong muốn điều gì đó.
- Bé không biết nói bất kì một từ nào, ví dụ: “mẹ” hoặc “ba”.
- Không bi bô, không phát ra các phụ âm như p hoặc b.
- Trẻ không biết thực hiện các động tác đơn giản như: vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không, chỉ tay vào đồ vật bé muốn.
- Khi được gọi đúng tên, bé không có phản ứng.
- Không hiểu và không có hành động phản ứng với các từ đơn giản như: “không”, “chào bé” và “bai bai”.
- Bé có biểu hiện không quan tâm đến thế giới xung quanh.
2. Kiểm tra thính giác của con
Kể cả khi cha mẹ nghĩ rằng bé có thể nghe thấy tất cả mọi thứ thì vẫn có khả năng thính giác của trẻ không đạt 100%. Nguyên nhân gây giảm thính lực ở trẻ có thể là do nhiễm trùng tai. Nếu bé đã từng có tiền sử bị nhiễm trùng tai thì cha mẹ nên đưa con đi kiểm tra với chuyên gia. Điều này đảm bảo cho việc bé sẽ nghe mọi thứ được rõ ràng và hiểu, sử dụng ngôn ngữ được tốt hơn.
3. Tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia
Cha mẹ nên tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp cho trẻ chậm nói càng sớm càng tốt. Đặc biệt là đối với những trẻ dưới 3 tuổi thì rất cần thiết vì đây là thời điểm quan trọng trong sự phát triển của bé. Một trong những địa chỉ uy tín mà phụ huynh có thể tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia là: Trung tâm Thính học & Trị liệu Ngôn ngữ cho trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương.
4. Nói chậm với trẻ
Điều này là đặc biệt cần thiết đối với trẻ khi đang học một thứ ngôn ngữ mới. Lúc nói chuyện với bé, cha mẹ hãy nói chậm lại, dành thời gian kiên nhẫn với bé.
5. Giao tiếp bằng ánh mắt
Cha mẹ phải chắc chắn rằng đang nhìn con khi đang nói chuyện với bé. Trẻ em có thể học được rất nhiều bằng cách nhìn vào miệng của người lớn khi đang nói chuyện. Trong hầu hết các nền văn hóa, giao tiếp bằng ánh mắt là một phần vô cùng thiết yếu. Đó cũng là một kỹ năng tự nhiên đối với trẻ em.
6. Phát âm rõ ràng
Thông thường, những âm thanh đầu tiên mà trẻ mới biết đi có thể tạo ra là: / p /, / b /, / m /, / n /, / h / và / w /. Trong trường hợp thấy trẻ đang khó khăn với những âm thanh đầu tiên này thì cha mẹ cần phải chắc chắn rằng mình phát âm thực sự rõ ràng.
7. Không để trẻ nói lặp lại theo cha mẹ
Rất nhiều cha mẹ nói các từ và mong muốn con nói lặp lại điều đó. Tuy nhiên có trường hợp trẻ lại không thể nói giống hệt như thế. Điều này sẽ làm bé thất vọng với những gì mình nói ra.
8. Làm mẫu chuẩn về ngôn ngữ cho trẻ
Để có thể giúp con học nói được tốt hơn, cha mẹ cần tạo ra chuẩn về ngôn ngữ. Điều này sẽ khiến trẻ ngay từ những giai đoạn đầu đã có thể thường xuyên tiếp xúc với những âm thanh, từ ngữ đạt chuẩn.
9. Nói lặp lại nhiều lần
Trẻ em cần phải được nghe một từ 100 hoặc 1000 lần trước khi có thể sử dụng từ đó một cách có ý nghĩa. Ngoài việc chú ý lặp lại các từ, cha mẹ cũng cần sử dụng từ đó trong một số tình huống nhất định.
10. Chơi với trẻ dưới sàn
Điều này có thể khó khăn với một số cha mẹ vì nhiều người thích ngồi trên ghế và quan sát con mình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ ngồi xuống sàn và chơi với bé thì sẽ có nhiều tương tác tốt hơn với trẻ.
11. Nên chọn loại đồ chơi không có pin
Đối với trẻ mới biết đi, đồ chơi có pin sẽ phát ra những âm thanh không tăng cường khả năng học tập ngôn ngữ của bé. Hầu hết trẻ em sẽ có nhiều khả năng bắt chước theo người thật hơn là một món đồ chơi điện tử. Cha mẹ có thể lựa chọn những đồ chơi như: búp bê, khối xếp hình...để giúp trẻ có nhiều cơ hội hơn trong việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ.
12. Mở rộng thêm ngôn ngữ cho trẻ
Nếu trẻ mới biết đi đang bắt đầu sử dụng một số từ đơn lẻ thì cha mẹ hãy mở rộng thêm những gì bé nói. Ví dụ, nếu bé mang cho bạn một chiếc xe tải đồ chơi thì cha mẹ có thể nói với trẻ thêm nhiều ngôn ngữ xung quanh chữ “xe tải” như xe tải có bánh xe hoặc xe tải có màu sắc như thế nào...
13. Đứng đằng sau quan sát
Khi này, cha mẹ không nên chi phối thời gian chơi của trẻ. Điều cần làm là nên lùi lại phía sau và xem những gì bé làm, lắng nghe xem bé có nói gì không. Hoặc nếu trẻ không sử dụng bất kỳ từ nào thì rất có thể bé đang ra hiệu hoặc nhìn chăm chú vào một vật gì đó. Bằng cách này, cha mẹ có thể tìm thấy nhiều cơ hội để giao tiếp với trẻ hơn.
14. Hãy để trẻ dẫn dắt
Nếu trẻ biểu hiện sự quan tâm đến một cái gì đó và cha mẹ làm theo sự dẫn dắt đó thì bé sẽ thích thú hơn trong khi tương tác. Cha mẹ có thể để cho con dẫn dắt bằng cách bắt chước những gì trẻ đang làm, nhận xét hoặc lặp lại những điều trẻ đã nói...Cơ hội học ngôn ngữ của trẻ sẽ giảm đi nếu bé không được làm những gì mình muốn.
15. Phát triển kỹ năng sử dụng đồ chơi
Với những bé mới tập đi, trẻ cần được phát triển các kỹ năng chơi làm nền tảng cho các kỹ năng về học tập sau này. Đặc biệt, trong quá trình phát triển ngôn ngữ, từ 8 tháng đến 15 tháng, trẻ cần có những tác động thông qua việc giao tiếp và sử dụng đồ chơi để làm cơ sở cho lời nói.
16. Đọc cho trẻ hàng ngày
Cha mẹ hãy tìm những cuốn sách đơn giản nhưng hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi hoặc sách tranh khuyến khích trẻ nhìn để đọc cho bé nghe hàng ngày. Tuy nhiên, không nên sử dụng sách điện tử cho trẻ em trong độ tuổi này. Lưu ý khi xem sách cùng con, cha mẹ không phải lúc nào cũng đọc từng câu chuyện, có thể chỉ vào các mục trong cuốn sách rồi sau đó tạm dừng và chờ đợi, nghe xem bé có nói điều gì không. Hoặc để cho trẻ chỉ vào những hình ảnh dễ nhận biết và đặt tên cho chúng.
17. Đặt câu hỏi cho trẻ (nhưng không quá nhiều)
Trong những cuộc trò chuyện hàng ngày, cha mẹ có thể đặt câu hỏi cho trẻ nhưng đừng hỏi quá nhiều. Có thể hỏi những câu đơn giản để giúp trẻ hiểu được ngôn ngữ và củng cố các từ vựng.
18. Sử dụng bài hát và chơi ngón tay
Đây cũng là một cách tuyệt vời để giúp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trong khi hát cùng với bé, cha mẹ có nhiều cơ hội tương tác với con, giúp trẻ vui vẻ và thư giãn. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ thích những con rối ngón tay. Đây là trò chơi cho phép phát triển vốn từ vựng nhiều hơn cho bé. Cha mẹ cũng có thể sử dụng đây như là một cách để kể chuyện thu hút hơn.
Cách tốt nhất đối với trẻ chậm nói là phát hiện và điều trị sớm, kịp thời. Bằng tình yêu thương và sự nỗ lực của cha mẹ, bé sẽ có thể giao tiếp tốt hơn trong những giai đoạn phát triển về sau.